Quyết định trên được công bố hồi tháng 10 năm ngoái đã thật sự gây sốc không chỉ với tất cả mọi người VN cư trú và làm ăn ở Nga, mà còn qua đó tác động đến nhiều gia đình ở VN. Kể từ đó, câu hỏi lớn nhất khiến lòng "quân ta" luôn nóng như lửa đốt giữa trời đông tháng giá trên đất bạn là làm thế nào để vượt qua khó khăn, để có thể tiếp tục sinh sống, kinh doanh hợp pháp trong tình hình mới ở Nga?
Có tới hơn 80% số người VN tại Nga mưu sinh trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán, và với họ chợ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cánh chạy chợ được cho là những người có công trong việc ổn định và xây dựng cộng đồng người VN ở Nga. Do vậy, bất kỳ điều gì liên quan tới chợ đều trở thành vấn đề nhạy cảm với cả cộng đồng.
Đặc biệt là chợ Vòm - nơi theo ước tính sơ bộ có khoảng 20.000 người VN buôn bán trực tiếp và gián tiếp. Bốn phần năm hệ thống dịch vụ của người VN cũng tập trung tại đây và có tới 80% số hàng hoá từ chợ Vòm được toả ra cung cấp cho các thành phố khác.
Dạo qua các ốp ngày 12/1, điều đập ngay vào mắt tôi là bức tranh ảm đạm ở hai ốp Sông Hồng 1 và Sông Hồng 3 đã phải tạm ngừng bán hàng từ ngày 1/1 cho đến ít nhất là hết tháng, chờ kết quả đàm phán cụ thể giữa ta với bạn.
Ông Nguyễn Văn Niên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Thương mại Sông Hồng - đã phải khẩn cấp bay từ VN sang để trực tiếp tham gia xử lý tình hình. Do phần nào cũng được chuẩn bị tâm lý trước nên bà con ta đã xác định cứ bình tĩnh chờ đợi, không hoang mang lo lắng thái quá và cùng nhau củng cố niềm tin rằng mọi chuyện sẽ rõ ràng sau ngày 15/1.
Ốp chợ thứ ba cùng chung cảnh ngộ nhưng được giãn thời gian thêm một chút là Voikov thuộc Trung tâm Thương mại Lion của tiến sĩ Trịnh Viết Ngọ, quê Hà Tây. Cuối tuần vừa rồi, bà con ở Voikov mới thu xếp hàng hoá, tạm nghỉ bán hàng theo yêu cầu của phía chính quyền Nga.
Như vậy là trước "giờ G", trên địa bàn thủ đô Mátxcơva có ba ốp chợ do người VN làm chủ phải tạm thời đóng cửa bán hàng, buộc hàng chục ngàn con người phải ngồi chơi xơi nước... chờ tin tức mới.
Buôn bán cầm chừng
Trong khi đó, các ốp chợ còn lại như Saliut 3, Togi, ASEAN... xem ra vẫn hoạt động bình thường, được coi như trong cái sự lo âu vẫn le lói một phần ngàn tia hy vọng cho những người Việt buôn bán ở thủ đô Nga.
Tại chợ Vòm - nơi tập trung nhiều người VN, Trung Quốc, Azerbaijan, Gruzia, Ukraina, Arab... buôn bán, gần như chưa có động tĩnh gì. Mọi việc mua bán diễn ra bình thường, khách cất hàng từ các nơi đến vẫn đều đặn tuy không nhiều như trước đây, một phần vì các chủ hàng đã linh hoạt hơn khi tổ chức giao nhận hàng ngay tại các thành phố xa.
Vẫn như những ngày giáp Tết tây, bao trùm khắp những ốp chợ đã tạm đóng cửa là một bầu không khí buồn tẻ thể hiện qua những cặp mắt lo âu, thắc thỏm, không biết ngày mai sẽ ra sao.
Tôi đến ốp chợ Togi nằm cách ga xe điện ngầm Tutskaia không xa. Trời chuyển mưa lây rây, tuyết không rơi. Mátxcơva năm nay mùa đông thật buồn, không khí ẩm ướt khiến đường sá bẩn thỉu. Chẳng bù cho tầm này mọi năm, cảnh vật đẹp tuyệt vời trong màu trắng mênh mông và giá lạnh tinh khiết của tuyết.
Tại quầy của Phan Ngọc H - quê Nghệ An, dân lao động xuất khẩu sang Nga từ năm 1988 và nay đang làm chủ một quầy bán quần áo bò (jeans), sạp hàng vắng tanh, chỉ dăm ba ông bà khách tây ngó nghiêng quăng câu "không" đáp lại lời mời chào đon đả.
Sang ốp chợ ASEAN ở cạnh ga metro Dubrovska xem binh tình có khá hơn không - tôi tự nhủ. ASEAN cùng nằm trong quần thể với Togi, do ông Phạm Dũng Tiến - người thành phố Hồ Chí Minh làm chủ tịch trung tâm thương mại. Mang cái tên rõ kêu, song khung cảnh ở ốp chợ này cũng đìu hiu chẳng kém trong màn mưa giá lạnh.
Khá hơn chút ít có lẽ là ở Saliut 3 thuộc Trung tâm Thương mại Bến Thành (nay hợp tác với Câu lạc bộ Bóng đá Nga Dinamo). Đây từng là trung tâm mua bán lớn sầm uất nhất của cộng đồng người VN và cả của Liên bang Nga thời những năm 1995 đến 1998. Tại đây còn có xe ra xe vào, chủ yếu khách hàng tới mua bán hàng khô hoặc hàng tươi sống phục vụ lại cho cư dân các ốp chợ.
Xem ra nghề còn thu hoạch được vào thời điểm này chỉ còn ngành hàng ăn uống. Trần Tuấn A. - dân Hà Nội, bán hàng tươi sống vừa bán hàng vừa nói: "Cũng đủ sống anh ạ, tất nhiên là kém xa so với thời kỳ hoàng kim năm nào".
(Theo Lao Động)