Tết Dương lịch không còn là của riêng một nước nào cả. Khắp thế giới, từ những nơi đón năm mới dương lịch sớm nhất như New Zealand và những quần đảo xung quanh, đến những vùng muộn hơn như bờ Tây nước Mỹ , đều đón năm mới dương lịch một cách trang trọng và hoành tráng nhất.
Tất nhiên, Việt Nam không nằm ngoài sự kiện này. Hơn thế, dịp năm mới 2018 vừa qua, tôi cảm nhận được rằng, tâm lý người Việt đang đón nhận tết Tây một cách vô tình, cởi mở và tưng bừng hơn bao giờ hết.
Ngoài Hà Nội và TP HCM là hai thành phố lớn tổ chức bắn pháo hoa, người dân tụ tập vui chơi và cùng "countdown" đếm ngược, những thành phố khác như Đà Nẵng, Vũng Tàu chẳng hạn, người dân vẫn đổ ra đường vui chơi, bên cạnh đó là những show ca nhạc hoành tráng.
Trên newsfeed Facebook, nhiều bạn bè của tôi đăng những lời chúc mừng năm mới, và họ gọi ngày đầu tiên của năm 2018 là mồng 1, nghe cứ như là ngày mồng 1 Tết âm lịch, hơn thế nhiều người còn đăng status tiễn biệt "năm con gà" một cách đầy nhầm lẫn!?
Còn nhớ lại, vài năm trước đây, cộng đồng chia rẽ và tranh luận gay gắt rồi "ném hàng khối gạch đá" vào đề xuất gộp tết Ta vào tết Tây của nhiều người .
Đứng trên quan điểm khoa học, nhiều người đã chỉ ra những hạn chế, nhược điểm cố hữu của tết Ta rằng sẽ ảnh hưởng rất nhiều lên nền kinh tế Việt Nam.
Nay thì sao? Cứ như một "bàn tay vô hình" nào đó, đang uốn nắn người Việt ăn tết Tây tưng bừng và đông vui hơn bao giờ hết. Rõ ràng, trong những người đang say sưa với màn countdown ở phố đi bộ Nguyễn Huệ vừa rồi, có không ít kẻ đã "ném đá".
Trước xu thế ăn tết Tây ngày càng lớn của người Việt, tôi mạnh dạn ủng hộ và đề nghị người Việt nên ăn gộp tết Tây và Ta một lần, 2 in 1, vừa tiết kiệm vừa để dành sức để chạy đua với những quốc gia láng giềng trong kỷ nguyên 4.0 này.
Những lợi ích cụ thể của việc này đã đem ra bàn thảo và nói đến nhiều từ những năm trước, nay tôi không nhắc lại. Chỉ nói thêm rằng, tết Tây đang có xu hướng "xâm thực" tết Ta và đến một lúc nào đó, người Việt sẽ hoàn toàn ăn tết Tây. Điều này sẽ diễn ra từ từ nên chúng ta không phải lo những chuyện như thế nào là "sốc văn hóa" hay "hòa tan" khi hòa nhập.
Người Việt chúng ta đã chịu nhiều sức ỳ trong hàng nghìn năm qua. Hãy mạnh dạn thay đổi những gì có thể thay đổi ngay được.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.