Việc một cảnh sát ở Hà Nội đạp ngã xe máy chở hai người đang vi phạm luật giao thông, và bất chấp hiệu lệnh của cảnh sát gây nhiều tranh cãi. Nhiều người thắc mắc hành động của công an đúng hay sai? (Xem video)
Thực tế, cảnh sát có quyền hành pháp, bao gồm việc bắt giữ người vi phạm pháp luật, và quyền dùng vũ lực khi tiến hành nhiệm vụ. Quyền được sử dụng bạo lực đó là như thế nào, giới hạn ra sao? Điều này thì người dân Việt Nam ít biết.
Bản thân tôi nhớ có một bài viết đăng trên báo kể về các anh công an trên đường săn đuổi một tên tội phạm có tiếng. Khi bị đuổi bắt, tên này chạy dọc một bờ sông. Các anh công an đã nổ súng, nhưng chỉ bắn qua má tên này. Bài báo ấy nói rằng "theo nguyên tắc, việc sử dụng vũ lực trong quá trình bắt giữ chỉ là nhằm mục đích răn đe, sao cho tội phạm bị bắt với càng ít thương vong càng tốt".
Từ đó, chúng ta có thể mường tượng rằng cảnh sát sẽ dùng vũ lực vừa đủ, sao cho tội phạm bị bắt, với ít thương vong. Ta cũng có thể suy luận là, giảm thương vong cho người vô tội xung quanh và cho cảnh sát, thì được ưu tiên trước giảm thương vong cho tội phạm.
Trở lại cú song phi của chúng ta, việc trước hết phải xác định là người chạy xe máy đó có thể xem là tội phạm cần bắt giữ hay không? Việc chạy ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, và bất chấp luật giao thông đều là những hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng. Vì thế có thể nói rằng anh cảnh sát được quyền dùng vũ lực để ngăn chặn người này đi tiếp.
Dùng vũ lực để ngăn cản bằng cách tung ra cú đá để làm đổ xe có đúng không? Thật lòng thì điều này khiến tôi rất băn khoăn. Liệu có luật nào quy định việc này không? Chắc là không, bởi luật pháp khó có thể quy định chi tiết. Vậy thì chúng ta phải cân nhắc xem hành động như vậy có cần thiết - một quyết định phần nhiều là cảm tính.
Những thương vong mà thanh niên điều khiển xe máy có thể gây ra khi họ phạm luật như vậy là hoàn toàn có thật. Khi so giữa khả năng gây ra thương vong cho người vô tội, và việc hai người ngồi trên bị thương khi xe bị đạp đổ, ta có thể nói rằng thà là hai người này bị thương còn hơn. Mặt khác, hai thanh niên này đã tự chuốc họa vào thân khi phạm luật mà còn không chịu dừng xe.
Luật của Mỹ đối với trường hợp này khá đơn giản, khi cảnh sát ra hiệu lệnh dừng lại mà không chấp hành, thì sẽ tự chịu các hậu quả. Cảnh sát không phải lúc nào cũng bắn súng, nhưng vẫn chạy khi có lệnh bảo dừng, thì khả năng "ăn đạn" khá lớn.
Những vụ biểu tình liên quan tới việc cảnh sát rút súng bắn người nhận được lệnh dừng, khiến cho dân Mỹ phẫn nộ có chung một điểm: người dân đã dừng lại, và ngồi yên trong xe hơi, hay có nhiều người giơ tay lên đầu hàng rồi nhưng vẫn bị bắn. Chứ đang chạy, không chấp hành hiệu lệnh, và có thể gây ra nguy hiểm cho người khác mà bị bắn thì phải lắm.
Việc không chấp hành hiệu lệnh dừng lại khi vi phạm giao thông được xử lý thế nào? Tôi đã thấy một cuộc rượt đuổi ngoạn mục của cảnh sát, vốn chỉ bắt đầu bằng một vụ vượt đèn đỏ và chạy quá tốc độ.
Khi người vi phạm không dừng xe, cả một đoàn xe cảnh sát rượt theo. Xe chạy ra xa lộ với rất nhiều xe cộ. Cảnh sát một mặt bắc loa kêu người dân tránh ra, rồi đặt bẫy mai phục, quăng ra một lớp gai trước xe đang chạy trốn, gây nổ lốp. Xe hơi mất phương hướng, đâm vào vệ đường, người lái xe bị chấn động mạnh, còn cảnh sát thì thản nhiên còng tay dẫn anh này đi. Vậy đó, một vụ chỉ bắt đầu bằng các lỗi vi phạm giao thông thông thường, và kết thúc như một bộ phim hành động mà không ai trách cảnh sát cả.
Một vụ khác khiến tôi cười đến chảy nước mắt có liên quan tới một người dì mà tôi quen biết. Đại khái là dì ấy hơn sáu mươi, trí nhớ cũng không tốt, một hôm đậu xe ở bãi lớn rồi kiếm không ra xe. Dì ấy báo cảnh sát là xe mình bị mất. Hôm sau ra tìm ra xe, nhưng lại quên báo lại cho cảnh sát.
Ngày hôm sau, dì chở hai người bạn, trong đó có một người cũng hơn sáu mươi vừa từ Việt Nam sang chơi. Cảnh sát quét biển số thì thấy là xe này bị báo mất nên rú còi bắt dừng. Khi xe đã dừng, hai cảnh sát xông ra quát to là mọi người phải ra khỏi xe và giơ tay khỏi đầu, trong khi cảnh sát lăm lăm súng.
Ra khỏi xe, ba người phụ nữ già cả lại bị bắt quay mặt vô xe, để tay lên nóc xe trước khi cảnh sát ập lại khám xét vũ khí. Sau khi cả ba đã bị khống chế, cảnh sát mới nói lý do vì sao họ làm thế.
Bà chủ xe được một phen giải thích gãy cả lưỡi trong khi bà bạn từ Việt Nam khóc thút thít. Sau một hồi rất lâu, khi mọi thông tin đã được kiểm chứng, mọi người mới được lên xe đi tiếp, trong khi bà chủ xe thì được giấy phạt hành chính vì cái tội quên cập nhật thông tin cho cảnh sát.
Vậy đó, cảnh sát Mỹ rất lịch sự và công minh, nhưng khi không nghe hiệu lệnh của họ hay bị nghi ngờ là phạm tội thì họ không nể mặt ai cả.
>> Xem thêm: Pha bỏ trốn gay cấn của cô gái bị cảnh sát thổi phạt giữa phố Hà Nội
Khanh
Chia sẻ hình ảnh, video của bạn tại đây.