Ba tuần qua, Wilya Hernandez cùng chồng và con gái hai tuổi ngủ vất vưởng trên vỉa hè đầy rác ở Cucuta, thị trấn biên giới Colombia với Venezuela, theo New York Times. Dù bé Antonela mới biết đi, thường xuyên bữa đực bữa cái, nhưng Hernandez không định trở về quê hương Venezuela.
"Tôi cần thiên thần giúp đỡ", người mẹ trẻ mắt rớm lệ nói. "Chúng tôi không thể quay về, cũng không thể ở đây".
Đó là tình cảnh của hàng nghìn đồng bào giống cô đã chạy sang Cucuta, nơi họ chấp nhận phải chật vật kiếm sống ở vùng đất mới, còn hơn là chịu đói khát trong bối cảnh kinh tế Venezuela năm ngoái lạm phát hơn 2.600%, thuốc men và lương thực thiếu thốn nghiêm trọng. Sáu tháng cuối năm 2017, đã có 210.000 người Venezuela chạy sang Colombia, và con số này đang không ngừng tăng lên ở những quốc gia khác.
Tại Brazil, dòng người chạy nạn đang tràn sang các thành phố và thị trấn bang Roraima, miền bắc đất nước, biên giới với Venezuela. Cuối năm ngoái, khoảng 40.000 người Venezuela đã xin lưu trú tại thủ phủ Boa Visata, gâp áp lực lớn lên hệ thống y tế và cơ sở hạ tầng ở đây. Tỷ lệ người nhập cảnh tăng vọt trong năm nay, lên vài trăm mỗi ngày khiến quân đội Brazil phải điều thêm quân tới biên giới.
"Lực lượng này không phải để ngăn người Venezuela, mà để tìm hiểu những người đang tới và nhu cầu cần giúp đỡ của mỗi người", Torquato Jardim, Bộ trưởng Tư pháp và An ninh nói.
Quân đội đang thành lập một bệnh viện tạm thời ở Roraima nhằm chăm sóc sức khỏe cơ bản cho nhiều người Venezuela đang suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lo ngại việc cung cấp viện trợ nhân đạo sẽ biến Roraima thành nam châm thu hút di dân.
Chính quyền Colombia cho biết mỗi ngày có khoảng 30.000 người Venezuela ở bên kia biên giới sang thị trấn Cucuta, xin nhập cảnh vào nước láng giềng. Một số đến mua gạo và mỳ ống về nhà, một số khác mang theo hành lý và không định quay về.
Cailey Dominguez, 25 tuổi, có mặt trong hàng dài người đang chờ đóng dấu hộ chiếu. Cô cho biết sẽ đến Peru, nơi chị gái đang sinh sống, với hy vọng kiếm được việc làm.
"Venezuela đã từng có mọi thứ", cô nói. "Nhưng giờ chúng tôi buộc phải rời đi".
Làm không đủ no
Dominguez đến từ đảo Margarita, bờ biển phía bắc đất nước. May mắn hơn nhiều người khác, cô đã tiết kiệm đủ tiền để trả phí hộ chiếu và vé xe khách. Không có hộ chiếu hoặc giấy phép lao động, hàng nghìn người Venezuela ở Cucuta thất nghiệp đang phải xin ăn hoặc chấp nhận làm việc chui tại các công trường xây dựng ở Colombia với mức lương thấp.
Nếu may mắn, một ngày họ kiếm được khoảng 5 USD, đủ để mua thực phẩm, nước uống và phí sử dụng nhà vệ sinh trong quán cà phê. Họ không để dành thêm được chút nào.
"Tôi đã bán đi mái tóc dài để lấy tiền nuôi con gái", Hernandez kể, chỉ tay vào mái tóc ngắn sát gáy. Cô nói thêm, những người mua tóc đi dạo trên khắp các quảng trường ở Cucuta, nơi người Venezuela hay tụ tập, mang theo biển mua tóc với giá 10 USD một bộ, bằng một phần ba so với giá cả ở thủ đô Bogota.
Người dân địa phương cũng tỏ ra lạnh nhạt với người Venezuela. Daniel Fernandez, 20 tuổi, đến từ Caracas, thường đứng tại bến xe khách Cucuta, nơi anh giúp đỡ những tổ chức Venezuela đến đây xin tài trợ.
"Họ coi chúng tôi như chuột bọ", Fernandez nói. Một số nhân viên tiệm bánh tại bến xe thậm chí còn vứt bỏ đồ ăn vào cuối ngày, thay vì tặng lại cho những người Venezuela đói ăn hay ngủ trước vỉa hè.
Freddy Munoz, 30 tuổi, đến từ Maracay, Venezuela, bán cá ngừ đóng hộp chui trên phố. Bản thân anh cũng gặp rắc rối với người địa phương.
"Lái xe không phanh khi tôi băng qua đường", Munoz nói, tuột cái tất bẩn dưới chân ra, để lộ gót chân thâm tím vì bị xe chèn. "Họ nói, 'hãy về nước của mày đi, Veneco'," anh nói, sử dụng từ lóng chỉ người Venezuela tại Colombia.
Munoz từng bị hai người Colombia dùng dao cướp. "Tôi biết họ là người Colombia bởi giọng điệu", anh nhớ lại. "May là chúng chỉ lấy tiền chứ không lấy cá".
Về phần Hernandez, cô thường xin cơm cho con ăn từ người dân địa phương, nhưng không phải ai cũng có lòng từ thiện. "Một số chìa tay giúp đỡ, nhưng một số bảo chúng tôi hãy cút đi".
"Nếu không đủ tiền đi nhà vệ sinh, tôi buộc phải đi ngay trên phố. Lúc đó, người qua đường sẽ mắng chửi tôi thậm tệ", cô nói.
Cảnh sát Cucuta có nhiệm vụ giải tán người vô gia cư khỏi nơi công cộng, cho hay phần lớn tội phạm đường phố mà họ bắt được là người Venezuela. Từ tháng 1/2017, gần 1.900 người Venezuela đã bị bắt vì phạm tội trên đất Colombia.
Các nhà chức trách Colombia mới đây đã đột kích vào một sân bóng rổ công cộng trong thị trấn bị người dân gọi là "khách sạn của dân Caracas", nơi tạm trú của khoảng 900 người Venezuela. 200 người không có hộ chiếu đóng dấu nhập cảnh đã bị trục xuất.
Người dân địa phương đang chật vật đối phó với dòng người ngoại quốc tràn vào thị trấn. Miriam Posada, chủ sở hữu một shop xe máy và một quán bán súp, nhớ lại thời những người Venezuela sống thoải mái cùng dân bản địa ở thị trấn biên giới Colombia.
"Khi đó tất cả chúng tôi đều sống tốt, tôi thường xuyên có khách hàng từ bên kia biên giới sang", Posada nói, trong lúc một đoàn người vô gia cư Venezuela bắt đầu lượn qua cửa hàng của cô. "Nay thì họ đang dọa mọi người sợ hãi. Doanh thu của chúng tôi tháng này cũng sụt giảm. Có lẽ tôi phải đóng cửa sớm thôi nếu tình hình không thay đổi".
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã cùng các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, nội vụ, tới Cucuta hồi đầu tháng hai để thảo luận cách giải quyết "một vấn đề lớn mà người Colombia chưa từng trải qua".
Ông Santos đã công bố một số biện pháp giải quyết khủng hoảng, bao gồm điều động lực lượng đặc biệt chống người tụ tập trên phố, cùng lời hứa cung cấp viện trợ và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hơn.
Hernandez và chồng con, những người vào Colombia mà không có hộ chiếu đóng dấu, đang đối mặt nguy cơ bị trục xuất theo chính sách mới của ông Santos mới công bố tháng này. Tối muộn, cô nằm xuống ghế, tay ôm con, cố chợp mắt. Chồng cô đã đi bộ vài khu nhà đi xin nước ở các sòng casino mở cửa suốt đêm.
"Chúng tôi muốn sống sót, nhưng giờ trong tay chẳng còn gì", cô nói.
Hồng Hạnh