Đến dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường thiếu sinh quân tại Hà Nội, ông Vũ Thành (Gia Lâm, Hà Nội) ngồi ở một góc khuất giữa hội trường, nhưng liên tiếp được đồng đội đến hỏi thăm. Ai cũng hồ hởi, vui vẻ bắt tay người anh cả Vũ Thành, một trong những chú vệ út (tên gọi khác của thiếu sinh quân) đầu tiên làm liên lạc trong kháng chiến chống Pháp.
Mái tóc bạc trắng nhưng giọng nói vẫn còn sang sảng, ông Thành nhớ như in những năm tháng "tuổi thơ dữ dội" của mình. Tháng 11/1946, khi mới 13 tuổi, ông đã làm liên lạc viên, đến tháng 2/1947 thì được vào sổ nhân sự của quân đội. Nhiệm vụ chính của vệ út Thành là làm liên lạc mặt trận Hải Phòng - Quảng Ninh, đưa thư, công văn, mệnh lệnh của chỉ huy từ đại đội đến trung đội.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, lực lượng quân đội còn mỏng, lại chiếm đóng lẻ tẻ nên việc liên lạc rất quan trọng. Phương tiện hạn chế nên liên lạc viên phải chạy bộ để kết nối các đơn vị với nhau. Đường đi phải xuyên rừng, lội suối, đi trong đêm tối ngay cả khi mưa bão.
Vừa làm quen với công việc không lâu, Vũ Thành đã được giao nhiệm vụ quan trọng, đưa mệnh lệnh chỉ huy của chính trị viên đại đội Vương Thế Hiệp xuống trung đội 2 do Nguyễn Sinh làm trung đội trưởng đóng ở đèo San. Đây cũng là lần liên lạc đáng nhớ nhất trong cuộc đời vệ út của ông.
Thời điểm ấy, địch đang chuẩn bị tấn công vào trung đội 2. Chỉ huy lệnh cho trung đội này phải di chuyển để bảo toàn lực lượng. Hoàn cảnh cấp bách nhưng đường dài tới 20 km khiến vệ út Thành phải chạy trong đêm để kịp truyền lệnh.
![]() |
Vệ út Vũ Thành và nữ sinh trường Thiếu sinh quân năm xưa Hoàng Thị Minh Diệp. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Đường đi dài lại phải qua đồn bốt địch, qua sông suối nên chỉ huy cẩn thận viết mệnh lệnh trên giấy mỏng cho Thành ngậm vào miệng. Khi cần thiết có thể thủ tiêu nhanh chóng. Nhận lệnh từ tay chỉ huy, chú vệ út chạy một mạch, chỉ sợ đến muộn một chút thì bộ đội không kịp di chuyển, bị kẻ thù tấn công. Đêm tối đen, nhiều lúc cậu vấp ngã dúi dụi rồi lại quáng quàng đứng dậy chạy.
Hết đoạn đường bằng, vệ út Thành lại vượt qua một con sông. Nước rất sâu nên cậu phải bơi qua. Đêm tối như mực không một bóng người, Thành rùng mình nghĩ đến thuồng luồng, cá sấu dưới sông, nhưng rồi ý thức của người liên lạc trong thời điểm nguy khốn vụt lên khiến cậu vội lao xuống dòng nước lạnh ngắt.
"Lúc đang bơi chân tôi chạm phải một con cá, hơi lạnh xuyên suốt sống lưng. Tôi giật bắn mình và nuốt mất tờ giấy ghi mệnh lệnh đang ngậm trong miệng", ông Thành kể.
Toát hết mồ hôi vì mệnh lệnh không còn, Vũ Thành chợt trấn tĩnh lại ngay bởi trước khi đi chỉ huy đã đọc nội dung cho cậu, giờ vẫn còn nhớ nguyên văn. Cậu vệ út tiếp tục lên đường. Nhưng muốn lên đến đỉnh đèo San cậu còn phải vượt qua những khe núi. Hôm đó trời mưa và tối đen khiến Vũ Thành không nhận biết được phương hướng.
Nỗi lo lắng mỗi lúc càng lớn trong tâm trí cậu bé 13 tuổi. May mắn lúc đó có một thợ săn người Dao đi ngang qua, Thành vội giới thiệu là liên lạc viên và nhờ giúp đỡ. Người thợ săn vui vẻ dẫn đường. "Nhờ đó mà tôi đi nhanh hơn, kịp thời truyền đạt mệnh lệnh chỉ huy cho trung đội di chuyển, tránh được đòn tấn công của địch", người vệ út năm xưa nhớ lại.
Do phải băng rừng vượt suối, qua những nơi có nhiều thú dữ nên vệ út Vũ Thành được chỉ huy cho một quả lựu đạn và một thanh kiếm phòng thân. Những đêm đưa công văn, cậu bé mới 13 tuổi phải cầm trên tay thanh kiếm sẵn sàng đâm chết hổ, lợn lòi... nếu chúng nhảy ra tấn công.
Một lần phải mang mật lệnh từ Đông Triều đến trung đội ở Mạo Khê, Vũ Thành quyết định đi tắt qua bãi tha ma để rút ngắn thời gian. Hôm đó trời mưa phùn, đi qua bãi tha ma, lân tinh nổi lên trên bề mặt mộ làm cậu lạnh toát người. Thành rút gươm quay một vòng, nhưng vừa đi được vài bước, quay lại nhìn cậu đã thấy những "con ma" đi theo mình.
"Lúc đó dù rất sợ ma nhưng tôi nghĩ nhiệm vụ của mình quan trọng hơn nhiều nên vừa cầm kiếm vừa chạy thật nhanh thoát ra khỏi bãi tha ma", Vũ Thành cho hay.
Cậu vệ út cũng may mắn được tham gia chiến dịch chống hai binh đoàn địch tấn công lên Việt Bắc. Bên cạnh nhiệm vụ làm liên lạc giữa các trung đội, đưa mệnh lệnh chỉ huy, Vũ Thành còn được tham gia phục kích ở các sườn núi, tiêu diệt địch trong trận 1 ở Lũng Vài, Lạng Sơn.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu sinh quân. Ảnh tư liệu. |
Năm 1949, do có năng khiếu ca hát nên Vũ Thành được chọn vào đội thiếu sinh vệ quốc quân do Đỗ Nhuận làm trưởng đoàn. Một năm sau, khi quân đội đã lớn mạnh, thông tin liên lạc được hỗ trợ bởi điện thoại nên đội vệ út không còn phát huy được vai trò. Vũ Thành về trường Thiếu sinh quân Việt Nam học tập văn hóa để phục vụ kiến quốc đất nước.
Ngày 19/5/1950, cậu bé Vũ Thành được vào chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ chủ tịch cùng đội thiếu nhi nghệ thuật của Lê Hữu Phước. Thành hát tặng Chủ tịch bài "Lau súng nhớ quê" và diễn kịch "Con chim kháng chiến". "Tôi vào vai con vẹt do một em bé nuôi. Con vẹt rất khôn, mỗi khi giặc Pháp đến nó đều kêu lên "giặc Pháp đến, giặc Pháp đến", ông Thành nhớ lại.
Là học sinh xuất sắc, Vũ Thành được cử đi tham dự đại hội liên đoàn thanh niên thế giới kéo dài tới nửa năm (bắt đầu từ tháng 4/1950). Về nước do trường đã chuyển sang Quế Lâm (Trung Quốc), Vũ Thành tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội. Sau đó ông học lớp phi công đầu tiên lái máy bay chiến đấu ở Trung Quốc 6 năm. Khi trở về, Vũ Thành làm huấn luyện ở trường Sỹ quan Không quân (Cát Bi, Hải Phòng).
Ngoài công việc của một quân nhân, Vũ Thành còn tham gia viết văn. Ông từng được Tổng cục Chính trị triệu tập viết "Những cánh bay đầu tiên", tham gia trại viết văn quân chủng phòng không không quân. Đối với người lính già, được viết lại những trận đánh, những chiến công oanh liệt của bộ đội là niềm hạnh phúc nhất.
Hoàng Thùy