"Tôi học nghề này của cha từ năm 13 tuổi", người đàn ông 37 tuổi, quê Đồng Tháp kể sau khi đưa nét cọ cuối cùng hoàn thiện tấm bảng hiệu, chiều 3/8.
Cha anh, ông Nguyễn Văn Châu có một xưởng nhỏ ở quê từ những năm 90. Thời đó, nghề vẽ bảng hiệu bằng tay rất được ưa chuộng, nhiều cửa tiệm mọc lên san sát nhau. Về sau, công nghệ in ấn và vật liệu làm biển quảng cáo ngày càng đa dạng, nhưng tấm bảng hiệu vẽ tay hoàn toàn thất thế. Ông Châu đành gác cọ nhưng cậu con trai lại không cam lòng để mất nghề.
Năm 2003, để phục vụ đam mê, Nguyễn Hoài Bảo lên TP HCM theo học ngành thiết kế đồ họa rồi mở một cửa tiệm ở Long Xuyên, An Giang để lập nghiệp. Mười năm làm nghề ở tỉnh lẻ, anh thua lỗ và trắng tay. Nhớ lại ký ức thời thơ ấu khi được ba mẹ dẫn lên Sài Gòn, đập vào mắt anh là những tấm bảng hiệu vẽ tay trở thành ấn tượng không thể quên. Năm 2017, sau đổ vỡ hôn nhân, Bảo cùng hai con nhỏ trở lại TP HCM mở cửa tiệm vẽ bảng hiệu thủ công với tên "Một mình làm hết" với mong muốn giữ lại những hồi ức của một Sài Gòn xưa.
Nửa năm đầu không có khách, gánh nặng chi tiêu hàng ngày cộng với tiền nuôi hai con ăn học đè lên vai khiến anh Bảo có lúc tưởng không thể trụ nổi. Dẫu vậy, chưa bao giờ anh có ý định bỏ nghề bởi đây không chỉ là mưu sinh mà còn là kỷ niệm.
Những ngày không có khách, anh lên mạng mò mẫm tìm những bức ảnh cũ có hình của các bảng hiệu, lưu lại thành từng bộ sưu tập theo từng thập niên để làm mẫu. Đến một ngày, có vị khách đầu tiên tìm đến đặt hàng vẽ tay tấm bảng hiệu cho quán cà phê của họ với cái tên khá ngộ: Cà phê mưa rào.
"Đó là tấm bảng hiệu tôi nhớ mãi không quên, tạo động lực cho tôi tiếp tục theo đuổi nghề", Bảo chia sẻ.
Anh kể, ngày xưa vật liệu vẽ quảng cáo đơn giản chỉ sử dụng gỗ, sau khi làm khung và nền chỉ cần vẽ tay và sơn. Bây giờ người ta có thể dùng khung sắt với nền bảng bằng tôn, inox... Nước sơn hiệu Bạch Tuyết từ thời ba anh còn làm, đến nay anh vẫn dùng vì rất bền, tấm bảng hiệu có thể sử dụng tới hơn 10 năm. Có những tấm bảng ngày xưa ba anh làm giờ vẫn còn.
Trước khi bắt tay vào vẽ một bảng quảng cáo, Bảo thiết kế trên máy tính để cân đối cỡ chữ, phông chữ và tính toán màu sắc sao cho phù hợp với phong cách cửa tiệm. Sau đó gửi cho khách hàng tham khảo, chỉ khi nào khách hàng chấp nhận anh mới bắt tay vào vẽ.
"Thông thường, một bảng hiệu hoàn chỉnh mất khoảng 5 ngày đến một tuần vì chỉ một mình tôi làm tất cả các công đoạn", anh Bảo cho biết. Cái khó của nghề này là trong lúc vẽ phải rất tập trung, không được buông nét cọ nếu trong lòng đang buồn bực hay muộn phiền.
Bảng hiệu vẽ tay bằng phông chữ và màu sắc kiểu xưa của Bảo ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Cách đây một tháng, có vợ chồng người Việt ở Mỹ gửi cho anh bức ảnh tấm bảng hiệu mẫu kiểu trước năm 1990 và đặt hàng anh làm lại một tấm khác giống y hệt. Khách hàng cho biết, đó là bảng hiệu cửa hàng từ thời ông bà nên họ muốn lưu giữ một phần ký ức của gia đình cho cửa tiệm mới nơi đất khách. Sản phẩm đó anh Bảo làm ròng rã suốt một tháng mới hoàn thành bởi những phông chữ khi xưa đã mất nhiều nét, anh phải sưu tầm và bổ sung sao cho giống với bản gốc.
Hiện mỗi ngày anh Bảo nhận hơn chục đơn hàng từ khắp các quận của Sài Gòn và cả những tỉnh lân cận hay khách nước ngoài. Nhưng vì làm hoàn toàn thủ công nên anh không thể làm kịp, buộc khách phải xếp hàng đợi khá lâu.
Chiều 2/8, chị Đinh Nguyễn Xuân Ngân, 31 tuổi, từ Bến Tre tìm đến anh Bảo đặt làm bảng hiệu cho quán cơm của mình. Theo chị Ngân, nhìn Bảo làm việc khách hàng cảm nhận được sự kỳ công và tâm huyết của người thợ. "Nghề này kén khách hàng lắm mà anh vẫn bám trụ được khiến mình rất quý", chị Ngân chia sẻ.
Biết đến Bảo từ năm 2020, chị Lê Thị Ngọc Ánh, 57 tuổi, chia sẻ sau lần nói chuyện đầu tiên, chị cảm nhận anh là người rất thật, làm việc uy tín nên chị tin tưởng và đặt thêm bốn bảng hiệu khác cho lần sau. "Từ ngày biết Bảo, tôi đã nhiều lần giới thiệu bạn bè ở nước ngoài về đặt hàng chỗ Bảo", chị Ánh nói.
Đối với anh Bảo, dù công việc có lúc chật vật khó khăn nhưng khi thấy khách hàng vui mừng với tấm bảng hiệu đủ làm động lực giúp anh bám trụ với nghề. "Tôi tin rằng, một ngày nào đó lớp trẻ sẽ nhận ra giá trị của những điều xưa cũ và họ tìm về, họ học nghề và rồi những tấm bảng hiệu vẽ tay sẽ lại được ưa chuộng trở lại", anh nói.
Một số bảng hiệu anh Bảo đã thực hiện.
Đông Hoàng