"Những người ủng hộ Trump cực đoan nhất đã chuyển sang các nền tảng thay thế", Nick Backovic, nghiên cứu viên tại Logically.AI, công ty chuyên truyền thông kỹ thuật số, nói. Các mạng xã hội mới mà họ chuyển qua đều được bảo mật hơn và khó bị điều chỉnh hơn.
"Việc Facebook và Twitter đã mất quá nhiều thời gian để cấm họ đã cho phép những người có ảnh hưởng trong cộng đồng này có cơ hội để xây dựng lại các nhóm và các cuộc đối thoại trên nền tảng khác một cách thuận lợi", Backovic nhận định.
Sau vụ bạo loạn chết người tại Đồi Capitol hôm 6/1, khi hàng trăm người ủng hộ tổng thống Donald Trump tràn vào tòa nhà quốc hội, các mạng xã hội lớn đã áp lệnh cấm với những nhóm liên quan như Oath Keepers, Three Percenters và Proud Boys.
Facebook tăng cường khóa người dùng liên quan tới các phong trào vũ trang, với gần 900 tài khoản bị cấm. Twitter cũng cấm vĩnh viễn tài khoản của Trump và khóa 70.000 tài khoản liên quan tới QAnon, nhóm cực hữu lan truyền thuyết âm mưu rằng Trump đang chống lại giáo phái toàn cầu gồm những kẻ ấu dâm thờ quỷ Satan.
"Hành động ngăn cấm này tỏ ra hiệu quả", Jim Steyer, chủ tịch tổ chức Common Sense Media nói. "Giờ thì ta không nhìn thấy Trump trên Twitter nữa, ông ấy đã mất cái loa phóng thanh, đánh mất chiếc micro để phát biểu với thế giới".
Nhưng hàng triệu người theo thuyết âm mưu và cực đoan từ chối nhượng bộ, theo các chuyên gia, những người lo ngại việc kiểm duyệt sẽ càng khiến nhóm này gắn kết hơn.
"Thành viên của QAnon gồm những người tham gia các nhóm dân quân, người theo đảng Cộng hòa lâu năm, huấn luyện viên yoga và cả các bà nội trợ", Alex Goldenberg, chuyên gia phân tích trung tâm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Lan truyền Mạng (NCRI), nhận xét.
"Có sự khác biệt giữa cộng đồng theo thuyết âm mưu này với những người theo chủ nghĩa phát xít hay da trắng thượng đẳng. Nhưng dường như khi đối mặt với kiểm duyệt, họ bắt đầu gắn kết cùng nhau bởi đó là sân chơi duy nhất của họ", ông nói.
Họ tập hợp lại với nhiều mục đích, đặc biệt là phong trào chống vaccine. Trên nền tảng tin nhắn mã hóa Telegram, các nhóm gồm hàng chục nghìn người ủng hộ Trump chia sẻ tin giả về "vaccine diệt chủng", xen vào đó là những lời nhục mạ Tổng thống Joe Biden hay người nhập cư.
Những nội dung trao đổi cực đoan này diễn ra tại những góc khuất ít ai để ý trên Internet mà đối với nhà chức trách, nó giống như những đoạn hội thoại hay tranh luận xảy ra trong quán bar hay quanh bàn ăn gia đình.
Trong khi các nền tảng lớn hạn chế khả năng phát triển quy mô lớn của các phong trào cực đoan, trên thực tế, lửa vẫn cháy âm ỉ dưới lớp tro tàn. Cuối tháng 1, một nhóm người biểu tình làm gián đoạn công tác tiêm chủng Covid-19 tại một sân vận động ở Los Angeles, một trong những địa điểm tiêm chủng lớn nhất nước.
Việc điều chỉnh quy tắc tham gia nền tảng xã hội đối mặt khó khăn trước những ràng buộc về đạo đức và thực tế. Giới hạn của quyền tự do ngôn luận luôn là chủ đề tranh luận sôi nổi tại Mỹ.
Parler, một giải pháp thay thế Twitter được những người bảo thủ ưa chuộng, đã bị Google, Apple và Amazon khóa mạng Internet trong vài tuần vì vi phạm quy định về kiểm duyệt nội dung kích động bạo lực. Nhưng nền tảng này hoạt động lại vào giữa tháng 2.
Gab và MeWe, giống Facebook, nổi lên sau cuộc bạo loạn ngày 6/1. Theo Goldenberg, các nền tảng này được sử dụng bởi những người muốn bày tỏ sự thất vọng của mình.
"Chẳng có đại dịch nào năm 2020 cả. Bệnh cúm được vũ khí hóa để đánh sập nền kinh tế và đánh cắp cuộc bầu cử khỏi Trump", một tài khoản trên Gab có tên ILoveJesusChrist123 nhấn mạnh, bình luận về một tuyên bố của cựu tổng thống Trump trên nền tảng.
Các nhóm cực đoan được bảo mật kỹ hơn càng dễ hành động hơn thông qua Telegram. Còn những người đam mê vũ khí có thể thoái mái tương tác trên diễn đàn MyMilitia.com.
Những người sáng lập Gab không che giấu liên hệ của mình với QAnon, còn MeWe và Telegram cho hay họ có thể phát triển mà không có bất kỳ liên kết nào với những người theo thuyết âm mưu. Cả hai nền tảng này đề nỗ lực kiểm duyệt bài đăng nhưng thiếu nguồn lực cần thiết.
"Các nhóm này phát triển lớn mạnh và có sức ảnh hưởng bởi họ được phép hoạt động tự do trên Facebook và Twitter", Emerson Brooking, chuyên gia về phần tử cực đoan và tin giả tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, nói.
Ông đề nghị các mạng xã hội tìm cách chia sẻ nguồn lực và tài nguyên kỹ thuật số để ngăn chặn làn sóng cực đoan này.
"Chính phủ cũng cần có trách nhiệm coi những nền tảng này giống các ngành thiết yếu như điện, nước hay phát thanh truyền hình, để buộc họ tuân theo quy định hợp lý", Brooking nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)