Thủ tướng Ukraine cho rằng cuộc biểu tình ở thủ đô Kiev mang dấu hiệu của một cuộc đảo chính, khi những người tham gia bao vây, ngăn cản hoạt động của chính phủ nước này.
"Ngăn cản công việc của cơ quan chính phủ không phải là một cuộc biểu tình hòa bình. Cuộc biểu tình này mang tất cả dấu hiệu của một cuộc đảo chính", AFP dẫn lời Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov hôm qua nói với các đại sứ EU, Canada và Mỹ.
Thủ tướng cảnh báo rằng người dân Ukraine sẽ không được nhận lương hưu và lương làm việc "trong nhiều ngày" nếu các quan chức không thể làm việc.
Biểu tình diễn ra từ hơn 10 ngày qua và trở nên gay gắt cuối tuần trước, sau khi chính phủ của tổng thống thân Nga Viktor Yanukoych từ chối ký môt hiệp định xích lại gần hơn với EU. Những vụ ẩu đả khiến 190 người bị thương, gồm cả người biểu tình, cảnh sát và hơn 40 nhà báo.
Ông Volodymyr Rybak, chủ tịch quốc hội Ukraine, nơi đảng của tổng thống Yanukovych chiếm đa số, hôm nay sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ.
Cách mạng hay tàn sát
Khoảng 15.000 người thuộc phe đối lập hôm qua đã cắm trại qua đêm trong Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev.
"Chúng tôi sẽ ở đây cho đến khi giành chiến thắng, cho đến khi chính phủ, tổng thống và quốc hội hiện tại được thay thế", Stepan Galabar, một người biểu tình 22 tuổi nói. Anh đến từ thành phố Kolomyia, phía tây Ukraine và đang ăn sandwich trong lều.
Bên trong văn phòng thị trưởng Kiev, những người biểu tình đang chuẩn bị thức ăn, bác sĩ chữa trị các vết thương và các nhà hoạt động trẻ tuổi nằm ngủ trên sàn. Phía bên ngoài, dòng chữ "Trụ sở cách mạng" được phun sơn dọc theo tòa nhà.
"Mọi người đang đăng ký tham gia. Họ đề nghị được giúp đỡ", người biểu tình 55 tuổi có tên Tatyana nói. Bà cho biết đã lập được danh sách liên hệ của 1.000 người, bao gồm các bác sĩ.
Video: Người biểu tình tấn công cảnh sát
Tại một số thành phố ở phía Tây Ukraine, nhiều người biểu tình và ủng hộ lời kêu gọi tổng đình công của phe đối lập. Tuy nhiên ở phía Đông, sự ủng hộ dành cho chính phủ và nước láng giềng Nga vẫn thể hiện rõ. Ngôn ngữ và các yếu tố lịch sử tạo nên sự chia rẽ rõ rệt ở Ukraine, với phía đông thân Nga và phía tây muốn hòa nhập mạnh mẽ hơn nữa vào Liên minh châu Âu.
"Chúng tôi không cần châu Âu, chúng tôi cần Nga", bà Lyudmila Ivanova, một phụ nữ về hưu 66 tuổi ở thành phố Donetsk nói.
Trước cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Ukraine kể từ một thập kỷ nay sau Cách mạnh Cam này, phương Tây và Nga cũng thể hiện rõ quan điểm trái ngược.
Mỹ không cho rằng cuộc biểu tình mang dấu hiệu đảo chính, và rằng hành vi sử dụng bạo lực của cảnh sát ở Ukraine là không thể chấp nhận được. "Đã có những báo cáo đáng lo ngại về việc các nhà báo và nhân viên truyền thông trở thành mục tiêu bị lực lượng an ninh tấn công", Jay Carney, phát ngôn viên Nhà Trắng bình luận hôm qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án các cuộc biểu tình ở Kiev và mô tả việc này là "một cuộc tàn sát chứ không phải cách mạng". Các hình ảnh video cho thấy một số người biểu tình quá khích đã dùng xe ủi và những viên gạch lát hè đường để tấn công cảnh sát Ukraine.
Video: Cảnh sát và người biểu tình đụng độ đêm chủ nhật
Cuộc biểu tình đã kéo dài kể từ khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych hôm 21/11 bất ngờ thông báo sẽ không ký một thỏa thuận chính trị và tự do thương mại với EUkraine. Những người ủng hộ liên kết với phương Tây ở Ukraine tin rằng thỏa thuận này là bước tiến quan trọng để có một nền kinh tế và chính trị tươi sáng hơn trong tương lai, đồng thời thoát khỏi sự ảnh hưởng của Nga từ trước đến nay.
Nguyễn Tâm