Đám đông biểu tình, chủ yếu là những người trẻ đang đeo khẩu trang để ngăn Covid-19, hôm 5/6 đốt pháo sáng và đập phá một chiếc xe cảnh sát cũ khi đề nghị sa thải Bộ trưởng Arsen Avakov lâu năm.
Mọi người liên tục hô vang khẩu hiệu "Nói không với nhà nước cảnh sát cai trị" và "Avakov phải bị sa thải".
"Thật là tình huống kinh khủng khi những cơ quan thực thi pháp luật, những người sống nhờ vào tiền thuế của chúng ta, lại đi tra tấn người dân Ukraine", nhà hoạt động Dana Vynogradova nói với nhóm biểu tình và hét lên "Avakov phải đi".
Các cuộc biểu tình nổ ra sau khi một sĩ quan cảnh sát bị cáo buộc cưỡng hiếp một phụ nữ 26 tuổi ở đồn cảnh sát thuộc thị trấn Kagarlyk, ngoại ô thủ đô Kiev. Người phụ nữ này phải đeo mặt nạ phòng độc và bị còng tay trước khi bị cưỡng hiếp nhiều lần. Hai cảnh sát liên quan đã bị bắt hồi tháng trước.
Chỉ trích cũng nhắm vào cảnh sát ở Kiev, cáo buộc lực lượng này không hoàn thành nhiệm vụ khi để xảy ra một vụ nổ súng ngang nhiên tuần trước giữa các băng đảng, khiến ba người bị thương.
Avakov, người giữ chức bộ trưởng nội vụ từ năm 2014, đã lên tiếng bảo vệ bản thân trước các nhà lập pháp tại quốc hội cùng ngày. Avakov nói đã phản ứng ngay lập tức với những cáo buộc hiếp dâm "đáng hổ thẹn" và sẽ thực hiện thêm nhiều bước để ngăn các hành vi lạm dụng.
"Tôi yêu cầu các bạn không lên án toàn bộ lực lượng cảnh sát chỉ bởi những kẻ tồi tệ", ông nói.
Cảnh sát tuần tra, chiếm khoảng 15% lực lượng cả nước, đã được cải tổ. Tuy nhiên, các bộ phận khác ở Ukraine vẫn không thay đổi, khi số liệu năm 2016 cho thấy 92% số cảnh sát còn lại, khoảng 65.000-70.000 người, vẫn giữ nguyên vị trí.
Năm 2013, một phụ nữ trẻ cũng bị cảnh sát tấn công và cưỡng hiếp tại ngôi làng Vradiivka ở miền nam Ukraine. Sự việc đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình trên khắp đất nước.
Ngọc Ánh (Theo AFP)