Tường hầm trở thành những chiếc giá cất trữ xúc xích và mỡ muối còn chiếc giường ngủ tạm thời của Anatoliy làm từ một miếng xốp dày, bên trên là một túi ngủ. Lúc đó, Anatoliy đang ở quận Hrabari, phía tây thành phố Donetsk, cách tiền tuyến chưa đến 1,6 km.
Anatoly yêu cầu chỉ được nhắc họ mà không nói ra tên, vì sợ bị các tay súng ly khai thân Nga trả thù. Anh là một trong số ít những người dân Ukraine không đi tị nạn mà ở lại. Hàng trăm nghìn người khác đã đi khỏi thành phố, nơi số dân trước chiến tranh khoảng 1 triệu người.
Hôm 4/8, Kiev tuyên bố sẽ mở "hành lang nhân đạo" từ thành phố Donetsk và Luhansk cho những người giống như Anatoly thoát thân an toàn.
Tuy nhiên rời khỏi vùng chiến sự có lẽ còn khó hơn tưởng tượng. Những người chống lại chính quyền Ukraine cho biết họ chưa có manh mối nào về hành lang màu xanh ấy. Ngoài ra, những tuyến đường được chỉ định quá nguy hiểm khi quân đội Ukraine đang xiết chặt vòng vây quanh thành trì Donetsk và Luhansk. Họ sợ tên rơi đạn lạc.
Chính quyền vùng Luhansk hôm 12/8 cho biết gần 5.750 người đã sơ tán qua một hành lang nhân đạo ở phía bắc kể từ khi nó mở cửa. Chỉ tính riêng 4 ngày qua đã có hơn 2.000 người qua đây.
Oleksandr Omelchuk, người phát ngôn của thống đốc Serhiy Taruta ở vùng Donetsk Oblast, cho hay Donetsk cũng mở cửa hành lang nhân đạo. Hàng ngày, thời điểm được cho an toàn để đi qua đây là từ 10h sáng đến 2h chiều. Tuy nhiên, con đường này lại dẫn đến một nơi khác cũng đang có chiến sự.
"Nhiều người cố gắng sơ tán, nhưng lại phải quay lại sau khi đến Marinka", một người bán hàng tên là Sergey nói.
Thị trấn Marinka cách thành phố Donetsk hơn 30 km là nơi diễn ra cuộc đụng độ bạo lực giữa quân đội Ukraine và các tay súng nổi loạn tuần trước. Hàng chục dân thường bị giết khi những cuộc pháo kích nã vào nhiều tòa nhà chung cư và sân vườn. Những tòa nhà không bị tên lửa làm nổ tung thì lồi lõm vết đạn. Hiện giờ, thị trấn Marinka không còn ai ngoài mấy con chó đi hoang trên những con đường đầy hố, sau khi người dân ở đây đi nơi khác lánh nạn.
Pavel, một cựu binh Ukraine 38 tuổi và giờ đứng trong hàng ngũ chỉ huy của dân quân ly khai, cho hay lính của anh đã ngăn người dân đừng đến trú ẩn bởi "ngày nào quân đội Ukraine cũng nã pháo vào đây".
Tuy nhiên Svyatoslav Tsegolko, người phát ngôn của Tổng thống Petro Poroshenko, lại cho biết Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia thông tin rằng "bất kỳ cuộc nã pháo nào dọc hành lang xanh đều là do những kẻ khủng bố thực hiện". Kiev gọi phe ly khai là khủng bố.
Theo Kyiv Post, cả quân đội Ukraine và phe nổi loạn đều có pháo và vẫn đang sử dụng vũ khí này. Hai bên đường gần chỗ chặn, pháo vẫn cày xới bầu trời và nổ vào hàng chục ngôi nhà.
"Tôi đang xem tivi thì nghe thấy tiếng pháo", Tatyana 21 tuổi đang sống cùng mẹ và ông bà ngoại trong ngôi nhà cách hành lang nhân đạo được chỉ định 60 m, kể. Tiếng rít đặc trưng của rocket khiến Tatyana rút vội phích cắm tivi và hét gọi mẹ đang cầu nguyện.
"Mẹ tôi mới chỉ đọc được vài từ trước khi rocket bắn ra. Tình hình lúc đó giống như một bộ phim chiến tranh", Tatyana kể. Pháo nổ ở sân nhà Tatyana, văng những mảnh kim loại qua bức tường nhà, khiến cô và ông ngoại bị thương. Không biết đi đâu, gia đình Tatyana cùng hàng nghìn nhà khác chỉ biết cầu mong không có quả pháo nào rơi vào nhà mình nữa.
Xe cứu thương không thể đi vào những con đường bị cấm nên các gia đình có người bị thương phải tự chăm sóc cho mình. "Tôi cầu nguyện liên tục, mong ngừng đổ máu", bà ngoại Tatyana nói.
Bình Minh (Theo Kyiv Post)