Tốt nghiệp kiến trúc sư tại Berlin, CHLB Đức, Nguyễn Thế Phương được biết đến với các dự án lớn đã thực hiện tại Việt Nam trong vòng 10 năm qua. Anh từng là Giám đốc Điều hành Văn phòng Thiết kế DA Group Việt Nam, Tổng giám đốc Aedas Việt Nam, kiến trúc sư trưởng của một trong những dự án lớn nhất và sớm nhất tại bán đảo Thủ Thiêm và hiện là Tổng giám đốc của Finko Architect HK và Finko Việt Nam.
Anh bắt đầu được nhắc đến nhiều khi dự án nghiên cứu quốc tế Universal Home mà anh tham gia được Quỹ phát triển EU tài trợ và Red Dot Design Museum - tại CHLB Đức hỗ trợ. Covid-19 và làm việc ở nhà (Work From Home) đã khiến nhiều người lật lại nghiên cứu Universal Home của anh sau 14 năm ra đời vì có những điểm liên quan. Thú vị hơn là ở thời điểm đó, anh cũng đã nói đến thương mại điện tử.

Kiến trúc sư Nguyễn Thế Phương tại Red Dot Design năm 2006.
Dưới đây là chia sẻ của kiến trúc sư Nguyễn Thế Phương và phóng viên.
- Covid-19 khiến làm việc ở nhà được xác định là một thói quen mới. Anh có gặp vấn đề gì với thói quen này không khi chính anh đã có một nghiên cứu từ 14 năm về trước với nhiều điểm trùng hợp?
- Quả thật là trong cái rủi có cái may. Phong tỏa và làm việc ở nhà cho tôi và mỗi chúng ta được thử nghiệm khả năng thích nghi của mình. Adjustability - khả năng thích nghi chính là từ khóa trong dự án nghiên cứu Universal Home mà tôi thực hiện trong năm 2006-2007. Khả năng này cũng đòi hỏi thời gian và hơn cả là tinh thần open minded - phóng khoáng, cởi mở - sẵn sàng đón nhận, thử nghiệm cái mới dù có những xáo trộn cơ bản cả về thể chất và tinh thần. Cũng may là công nghệ vừa lúc cho phép chúng ta làm việc ở nhà một cách hiệu quả. Universal Home đang trở thành hiện thực.
- Các công trình của anh luôn khác biệt và có sức ảnh hưởng ít nhiều tại Việt Nam. Universal Home có ảnh hưởng đến cách tiếp cận vấn đề của anh và Finko Architect không?
- Một ngôi nhà nhỏ, phục vụ cho một gia đình thì mức độ biến đổi không rộng. Nhưng một dự án mà ở đó có hàng ngàn gia đình sinh sống thì lại là chuyện khác. Cũng như vậy, quy hoạch một lô đất 1 ha thì sức ảnh hưởng nhỏ, nhưng nếu ở quy mô vài chục ha và lớn hơn thì đó là chuyện sống còn của một địa phương, một thành phố và một quốc gia rồi.
Tôi về Việt Nam mới được 10 năm mà thế giới thay đổi kinh ngạc. Bạn có thể hình dung 50 năm (qui định vòng đời tối thiểu của một công trình cấp I) sẽ thay đổi đến mức nào. Người kiến trúc sư lúc này không còn ở mức độ vẽ đẹp và có gu thẩm mỹ tốt nữa, mà cần rất hiểu biết về kinh tế, xã hội, công nghệ, văn hóa, môi trường và tính universal - phổ quát trong cách tiếp cận vấn đề để có những dự tính cho tương lai của công trình.

Một khu đô thị Universal tại Việt Nam được Finko quy hoạch và thiết kế.
- Tại sao anh lại nói về thương mại điện tử từ năm 2007, khi mà Amazon hay Alibaba còn trong thai nghén, và đặc biệt anh lại là kiến trúc sư?
- Bạn biết đó, thiết kế và kiến trúc ở một tầm nào đó bắt nguồn từ những lĩnh vực hoàn toàn không liên quan.
Khi còn sinh viên, tôi hay đi mua đồ ở IKEA. Họ đã làm một cuộc cách mạng về kinh doanh đồ nội thất. IKEA đã trở thành nơi gặp gỡ cuối tuần của các gia đình khi đó và mua sắm trở thành trải nghiệm. Với mỗi loại đồ, họ có hàng trăm mẫu mã khác nhau, cho khách lắp ghép thoải mái, nhưng thủ công. Tôi hay xem bạn bè chơi game điện tử và nghĩ: Ồ, sao chúng ta không kết hợp hai cái lại nhỉ, vừa vui, vừa có tác dụng. Tôi đưa vào đây cảm xúc "đi săn hàng". Mua nghĩa là bạn đến và lấy, món hàng ở sẵn đó. Còn săn nghĩa là bạn lục tìm được món đồ ưng ý. Đã hơn rất nhiều.
Tôi không học thương mại, nhưng bản chất cốt lõi của công trình là phải hoạt động được - nghĩa là phải làm ra tiền, bằng vẻ đẹp của nó, bằng sự linh hoạt của nó, bất kể tính chất gì. Ngay cả một bức tượng bằng đá hay bê tông cũng biết làm ra tiền, vậy thì công trình kiến trúc bắt buộc phải làm ra tiền, đó là tiêu chí hàng đầu.

Kiến trúc sư Nguyễn Thế Phương tại một buổi lễ trao giải thiết kế của Đông Nam Á năm 2019.
- Finko của anh nhận được các dự án rất khủng, thiết kế đều giành được sự quan tâm rất lớn trong khi hoàn toàn không có trang web hay quảng cáo. Đó có phải nhờ khả năng làm ra tiền của công trình?
- Thế giới phân nhóm các nước căn cứ vào GDP - thu nhập đầu người, nghĩa là vào khả năng làm ra tiền.
Vẻ đẹp của một công trình hay một thành phố nằm ở sự logic và sức sống mãnh liệt của nó. Không có một công trình hay thành phố nào đẹp mà lại nghèo cả. Vì tiêu chí của những cái đẹp đó bắt nguồn từ công năng và tính thực dụng, ai cũng thấy mình ở đó, và đặc biệt là rất bền vững bởi được sinh ra để phục vụ cuộc sống dù là một căn hộ, một cửa hàng hay một khu vườn.
Việt Nam cần phát huy được hết tiềm năng của nguồn tài nguyên đang có một cách khôn ngoan nhất, chúng ta không thể áp dụng chiến lược của các nước đã phát triển và dân số ở tuổi nghỉ hưu. Hãy hiểu rằng Việt Nam như một chàng trai đang tuổi trai tráng - là một quốc gia đầy tiềm năng và đang trỗi dậy nên kiến trúc sư cũng cần có sự trỗi dậy trong các thiết kế của mình.
- Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ.
Diệp Chi (Ảnh: NVCC)