Sau 5 năm hủy án điều tra xét xử lại, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên xử phúc thẩm lần hai, xem xét đơn kháng cáo kêu oan của Nguyễn Văn Hiền, 49 tuổi, quê Tây Ninh, về các tội Giết người; Cướp tài sản, ngày 25/3.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 9h ngày 7/3/2015, Hiền từ thị trấn Tân Châu đón xe buýt xuống huyện Hòa Thành định về nhà mẹ vợ mượn tiền. Lúc xuống xe ở khu vực Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, Hiền mua trái cây của một phụ nữ bán dạo và trộm con dao gọt trái cây của người này.
15h cùng ngày, Hiền nhờ ông Lâm Văn Nhiển (chạy xe ôm) chở đến nhà mẹ vợ. Trên đường đi Hiền gọi cho bà này hỏi vay tiền nhưng người chị dâu nghe máy "la rầy" nên anh ta kêu ông Hiển chở về nhà mình ở huyện Tân Châu.
Bản án xác định, khoảng 17-18h, khi chạy đến khu vực huyện Dương Minh Châu, dưới chân núi Bà Đen, Hiền nảy sinh ý định cướp xe máy của ông Nhiển nên nói người này chở vào khu vực vườn mãng cầu gần đó để mượn tiền người quen. Đến chỗ vắng người, Hiền rút dao đâm ông Nhiển nhiều nhát khiến nạn nhân chết tại chỗ.
Sau khi cướp xe và điện thoại của nạn nhân, Hiền chạy đến cầu Kênh rửa tay, giặt áo dính máu, vứt dao. Khoảng 20h cùng ngày, Hiển chạy xe sang Campuchia mang tài sản cướp được đi cầm lấy tiền đánh bài. Sáng hôm sau, Hiền nhờ người xe ôm tên Quanh chở về Việt Nam rồi đón xe xuống TP HCM làm thuê. Hai tháng sau, Hiền bị Công an tỉnh Tây Ninh bắt.
Qúa trình điều tra, anh ta khai nhận hành vi phạm tội. Đến tháng 9/2015, khi nhận được bản kết luận điều tra, Hiền kêu oan. Bị cáo cho rằng quá trình điều tra bị ép cung, đánh đập... tinh thần không tỉnh táo nên mới nhận tội.
Cuối năm 2015, TAND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm, cho rằng kết quả điều tra đủ cơ sở kết luận Hiền thực hiện hành vi phạm tội như cáo buộc, nên tuyên phạt mức án tử hình về các tội Giết người; Cướp tài sản.
Hiền kháng cáo kêu oan, cho rằng chiếc xe máy của nạn nhân là do Hiền mua lại từ một thanh niên tên Kha (còn gọi Khang, người dân tộc) tại trạm xe buýt trước bến xe Tây Ninh.
Tháng 7/2017, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của Hiền, tuyên hủy án sơ thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh, trả hồ sơ điều tra lại.
Theo HĐXX, án sơ thẩm xác định bị cáo giết người nhưng ngoài lời khai nhận tội ban đầu của bị cáo, các chứng cứ khác chưa đủ cơ sở. Quá trình thực nghiệm hiện trường có nhiều mâu thuẫn. Kết luận giám định cho thấy dấu vân tay trên mũ bảo hiểm và xe máy tang vật không phải của Hiền. Dấu vết trên đầu móng tay nạn nhân không có kiểu gen của Hiền...
Ngoài ra, vết thương trên người nạn nhân chưa rõ do hung khí nào gây ra, có phải là từ con dao Hiền lấy cắp của bà bán trái cây hay không, vì cơ quan điều tra không thu giữ được hung khí gây án. Cơ quan điều tra cũng không tìm và làm rõ xem bà bán trái cây có bị mất dao không, mà lại tìm con dao khác cho Hiền nhận dạng là "giống con dao gây án".
Quá trình điều tra lại, Hiền khai, sáng 7/3/2015, từ nhà trọ Thiên Ân tại thị trấn Tân Châu đến quán cà phê võng gần đó ngủ. Đến đầu giờ chiều, anh ta bắt xe buýt đến thị xã Hòa Thành gặp hai người quen gần chợ ngồi uống nước mía nói chuyện. Hiền sau đó đón xe buýt đến bến xe Tây Ninh tìm gặp người bạn nhưng không được nên vào quán cà phê xem tivi.
Khoảng 17h30, Hiền đi ra trạm xe buýt trước bến xe Tây Ninh thì gặp thanh niên tên Kha (Khang) đi cùng cô gái. Người này nói muốn bán chiếc xe máy Wave màu xanh cho Hiền với giá 1,5 triệu đồng. Thấy chiếc xe không có biển số nên Hiền trả một triệu thì anh này đồng ý bán luôn.
Hiền đi đổ xăng để chạy qua cửa khẩu Hòa Bình chơi thì phát hiện trong cốp có chiếc điện thoại nên lấy gọi cho ông Quanh nhờ dẫn qua cửa khẩu sang Campuchia. Hiền cầm chiếc xe mới mua và điện thoại lấy tiền chơi bài. Sáng hôm sau, anh ta từ Campuchia về Việt Nam rồi bắt xe xuống TP HCM đi làm thuê cho đến khi bị bắt. Bị cáo khẳng định lời nhận tội ban đầu là không đúng do bị ép cung.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra và VKS giữ nguyên quan điểm cho rằng việc truy tố Hiền là "có căn cứ".
Tháng 9/2018, TAND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm lần hai không chấp nhận quan điểm của Hiền, tuyên phạt bị cáo mức án tù chung thân.
Theo HĐXX, bị cáo khai mua xe của người đàn ông tên Kha (Khang) nhưng không cung cấp được thông tin, địa chỉ cũng như nhận dạng của người này, nên không có căn cứ chấp nhận.
Bị cáo cho rằng mình bị ép cung, đánh đập nhưng không đưa ra được chứng cứ, chứng minh. Qúa trình xem lại các băng ghi hình và suốt quá trình hỏi cung, thực nghiệm hiện trường không thể hiện việc điều tra viên đánh đập bị cáo. Các biên bản hỏi cung cũng có luật sư và kiểm sát viên tham gia.
Ngoài ra, lời khai của bị cáo và nhận dạng của những người liên quan về tang vật là chiếc xe Wave, điện thoại của nạn nhân đều phù hợp với nhau, phù hợp với biên bản thực nghiệm hiện trường và kết luận của cơ quan điều tra.
Không đồng tình với phán quyết này, Hiền tiếp tục kháng cáo. Phía gia đình nạn nhân cũng kháng cáo, đề nghị tòa cấp cao xem xét nếu có đủ căn cứ xác định Hiền là hung thủ thì đề nghị tăng án tử hình.
Để phục vụ cho phiên xử phúc thẩm lần hai, TAND Cấp cao tại TP HCM triệu tập các điều tra viên, giám định viên, song những người này có đơn xin vắng mặt.
Hiền giữ nguyên quan điểm, khẳng định mình không giết người, cướp tài sản.
Bào chữa cho Hiền, luật sư Nguyễn Hữu Lộc (Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh) chỉ ra nhiều điểm "bất hợp lý" trong kết luận của cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm. Khoảng thời gian nạn nhân chở bị cáo đi từ Tòa Thánh Cao Đài là 15h, đến hiện trường vụ án là 18h với đoạn đường khoảng 70 km, tức mất 3 giờ đồng hồ. Đồng thời, lời khai của những người xe ôm chạy tại khu vực này cho biết, từ lúc 9h sáng ngày 7/3/2015, thấy ông Nhiển chở người thanh niên đi sau đó không quay lại. Kết quả trả lời của công ty viễn thông cũng xác định, ngày xảy ra vụ án không có cuộc gọi nào của ông Hiền cho mẹ vợ vào khoảng thời gian như kết luận điều tra... Từ đó, luật sư đề nghị tòa tuyên bị cáo "không phạm tội".
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, HĐXX phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm lần hai của TAND tỉnh Tây Ninh, trả hồ sơ điều tra lại do "chưa đủ chứng cứ buộc tội".
Theo HĐXX, kết quả giám định gen trên mẫu máu, đầu thuốc lá và dấu vết thu được tại hiện trường cho thấy "gen là của một người nam và một người nữ hút thuốc không xác định được là ai, nhưng không phải là mẫu máu, ghen của bị cáo". Hiện các mẫu ghen này đang được lưu tại cơ quan giám định, cơ quan điều tra cần phải giám định lại các mẫu gen này để xác định mẫu gen, mẫu máu này của ai.
Về quá trình thực nghiệm điều tra, cơ quan điều tra không thực hiện đúng theo quy định, sử dụng xe đặc chủng dẫn giải bị cáo trong quá trình di chuyển, trong khi đúng ra phải chạy bằng xe tang vật.
Theo lời khai nhận tội ban đầu của bị cáo thì bị cáo và ông Nhiển vật lộn, bị cáo dùng nhiều tư thế khác nhau để thực hiện hành vi phạm tội, trên người nạn nhân có tất cả 35 nhát dao và nhiều vết trầy khác. Nhưng tại hiện trường, khi phát hiện thì nạn nhân đeo kính, ngồi dựa vào cây cao su, trên đầu đội nón bảo hiểm, tay đeo đồng hồ, xung quanh hiện trường không có vết máu. "Khả năng đây không phải hiện trường gây án đầu tiên, mà là hiện trường giả. Hung thủ gây án ở nơi khác di chuyển nạn nhân đến đây", bản án nhận định.
Ngoài ra, lời khai nhận tội ban đầu của bị cáo thể hiện, sau khi giết ông Nhiển, bị cáo đến cầu Kênh để giặt áo, rửa tay và ném dao tại đây. Nhưng cơ quan điều tra không thu được con dao gây án, cũng như quần áo của bị can lúc gây án có dính máu. Cơ quan điều tra cần thực nghiệm lại quá trình này để tính toán thời gian gây án, di chuyển trong bao lâu.
Kết quả điều tra còn xác định, sau khi gây án, bị cáo gặp ông Quanh chạy xe ôm để nhờ người này dẫn sang Campuchia. Do đó, cần lấy lời khai của ông này về tình trạng của Hiển lúc đó thế nào, quần áo, xe có dính máu hay không...
Cơ quan điều tra cũng chưa làm rõ lịch trình của Hiền khi đi xe buýt, thời gian xuất cảnh sang campuchia để xác định chứng cứ ngoại phạm có hay không; cũng như chưa làm rõ xích mích, mâu thuẫn giữa nạn nhân với người đàn ông tên Kha như lời khai của gia đình nạn nhân, và người này có phải đồng phạm hay không...
HĐXX cũng cho rằng, cơ quan điều tra chưa làm rõ thời điểm nạn nhân bị sát hại là mấy giờ, có hay không mối liên hệ giữa bị cáo với các chứng cứ tại hiện trường.
"Lời nhận tội của bị can bị cáo chỉ được xem là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án, không dùng làm chứng cứ duy nhất để kết tội", bản án nêu và nhận định, cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên cần phải điều tra lại.
Hải Duyên