Độc giả yêu mến series truyện "Harry Potter" hẳn không quên sân ga 9¾ - nơi khởi hành những chuyến tàu đến với ngôi trường phù thủy Hogwart. Ít ai biết rằng, ý tưởng về một nhà ga, nơi khởi nguồn của những cuộc phiêu lưu ma thuật, vốn từng xuất hiện trong The Secret of Platform 13 (Bí mật sân ga số 13) của nữ nhà văn Eva Ibbotson.
The Secret of Platform 13 mô tả một sân ga huyền bí ở nhà ga King’s Cross, từ đây dẫn đến một thế giới khác - thế giới của ma thuật. Cuốn sách xuất bản năm 1994, ba năm trước khi Harry Potter của J.K. Rowling phát hành. Nhà báo Amanda Craig - người phụ trách mục văn học thiếu nhi của tờ Times - nhận định: "Eva Ibbotson hoàn toàn có thể kiện và đòi hỏi một khoản bồi thường với nhà văn J.K. Rowling, nhưng bà không làm như vậy. Ibbotson chia sẻ, bà ‘muốn dìu dắt cô ấy bằng đôi tay của mình’ và cho rằng ‘là nhà văn, chúng ta đều mượn ý tưởng của nhau mà’".
Eva Ibbotson được biết đến như một nhà văn nổi tiếng người Anh. Gần 50 tuổi, cuốn sách đầu tay của bà - The Great Ghost Rescue (Giải thoát con ma vĩ đại) - mới được xuất bản. Nhưng ngay sau đó, các tác phẩm của bà thu hút được cả người lớn và trẻ nhỏ bởi thế giới của những phù thủy lập dị và những con ma thân thiện.
Tự nhận xét là các câu chuyện của mình đều "kết thúc có hậu", Eva Ibbotson muốn nhắc đến dòng tiểu thuyết cho thiếu nhi không được trong sáng, lành mạnh đang tràn ngập và khẳng định rằng, trong các tác phẩm dành cho thiếu nhi của bà, người tốt phải được hưởng những điều tốt đẹp còn những đứa trẻ ngỗ ngược, tham lam phải bị trừng trị thích đáng. Những cuốn sách hài hước về thế giới phù thủy cho thiếu nhi như The Secret of Platform 13 và The Great Ghost Rescue từng mang về cho Eva Ibbotson giải vàng sách thiếu nhi Nestlé và đề cử Huy chương Carnegie.
Cuốn tiểu thuyết đậm yếu tố lịch sử Journey to the River Sea đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Eva Ibbotson. Miêu tả sinh động cuộc hành trình của một cô bé mồ côi dũng cảm và vô cùng nhạy cảm với bối cảnh là khu rừng Amazon huyền bí, cuốn sách được viết sau cái chết của chồng bà ở tuổi 49. Khi đó, Eva Ibbotson cảm thấy rất đau buồn và muốn viết một câu chuyện thật hài hước, vui nhộn. Cuốn sách đã mang lại cho bà nhiều lời khen ngợi lẫn khoản tài chính dồi dào, và đưa Ibbotson bước vào con đường viết "những cuốn sách vui nhộn" (theo cách gọi của tác giả) với dung lượng dài hơn, chứa đựng nhiều yếu tố lịch sử hơn cho đối tượng độc giả lớn tuổi hơn một chút.
Tiếp theo đó, bà viết những tác phẩm như The Star of Kazan (Ngôi sao của Kazan) lấy bối cảnh ở Vienna, thành phố nơi Eva Ibbotson sinh ra và sống ở đó cho tới khi lên 7 tuổi; tác phẩm The Dragonfly Pool (Bể bơi con chuồn chuồn) lại gợi nhớ tới quãng thời gian bà sống ở ngôi trường nội trú Dartington - nơi bà bị gửi vào sau khi cha mẹ ly dị.
Ibbotson miêu tả lại quãng đời thơ ấu của mình là "đa văn hóa nhưng bất hạnh" và bà luôn muốn một kết thúc có hậu - các nhân vật đều sẽ tìm về được ngôi nhà yêu dấu của mình. Bà chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên tờ The Guardian: "Mẹ của tôi là một tác giả viết kịch bản phim, bà làm việc ở Berlin, còn bố của tôi là một nhà khoa học và ông sống ở Edinburgh, còn ông bà của tôi thì lại sống ở Vienna. Tôi thường xuyên phải ở trên một toa tàu rộng, tôi chỉ ước có một ngôi nhà".
Trong những năm cuối đời, mặc dù sức khỏe suy giảm bởi căn bệnh lupus, Ibbotson vẫn tiếp tục viết. Tác phẩm vui nhộn bà viết trong thời gian này - The Ogre of Oglefort (Con quỷ của Oglefort) - khi xuất bản đã lập tức được đề cử Tiểu thuyết hay nhất cho thiếu nhi của tạp chí Guardian và giải Roald Dahl Funny. Lý giải cho sức làm việc phi thường này, bà chia sẻ: "Điều bạn cần phải làm đó là tiếp tục viết, thói quen đó đã ăn sâu vào trong tiềm thức và bạn không thể dừng lại".
Eva Ibbotson sinh ngày 21/1/1925 tại Vienna (Áo), mất ngày 20/10/2010 ở Newcastle (Anh). Những tác phẩm của Eva Ibbotson đã được vinh danh bằng nhiều giải thưởng và được độc giả trên khắp nước Anh và Mỹ yêu mến.
Phùng Hà (theo Guardian)