Năm 2017, 444 thành phố Trung Quốc đã cấm hoàn toàn sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Một số thành phố không cấm hẳn nhưng thu hẹp phạm vi, chỉ cho phép đốt pháo vào một số thời điểm nhất định trong năm và ở địa điểm được chỉ định.
Tháng này, thêm nhiều địa phương ra thông báo cấm pháo, làm bùng lên những cuộc tranh luận trên mạng xã hội.
"Chúng tôi có quyền đốt pháo", một người viết trên Weibo.
Theo văn hóa dân gian Trung Quốc, tục đốt pháo ra đời cách đây hơn 2.000 năm để xua đuổi "Niên", con thú thần thoại thường hoành hành khắp làng xóm, phá hoại nhà cửa và ăn thịt dân làng trong đêm Giao thừa. Dân làng phát hiện "Niên" rất sợ tiếng ồn lớn. Vì thế, họ đổ thuốc súng vào ống tre khô, ném vào đống lửa. Tiếng nổ phát ra dọa con vật, xua đuổi nó khỏi làng. Về sau, pháo được sử dụng để kỷ niệm nhiều ngày lễ khác.
Tuy nhiên, một số người cho rằng cấm đốt pháo là cần thiết để bảo vệ môi trường. "Cần kiểm soát đốt pháo để kiểm soát ô nhiễm và an toàn cháy nổ", một người khác viết trên Weibo.
Theo cuộc thăm dò trực tuyến mà Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh thực hiện tuần này, hơn 80% người được hỏi ủng hộ bắn pháo trong Tết Nguyên đán.
Một số người cho rằng những lệnh cấm thật kỳ lạ bởi tuần trước, Liên Hợp Quốc vừa công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hàng năm của cơ quan này. "Tết Nguyên đán thuộc về thế giới, nhưng ở Trung Quốc đã không còn", một người khác viết.
Tại tỉnh Hồ Nam, trung tâm sản xuất pháo hoa lớn, doanh thu xuất khẩu pháo hoa từ tháng 1 tới tháng 11 là 4,11 tỷ nhân dân tệ (579 triệu USD), vượt xa doanh thu bán hàng nội địa.
Trước tranh cãi của người dân, Ủy ban Pháp luật thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cuối tuần này đưa ra kết luận rằng Luật Phòng ngừa và Kiểm soát Ô nhiễm Không khí cũng như Quy định Quản lý An toàn Pháo hoa và Pháo nổ không yêu cầu cấm hoàn toàn việc bán, đốt pháo hoa và pháo nổ. Do đó, các lệnh cấm triệt để do địa phương ban hành "không phù hợp với luật".
Hồng Hạnh (Theo Reuters/CCTV)