Vài tháng qua, nhiều người đã đến văn phòng của các nền tảng cho vay ngang hàng (peer to peer - P2P) để đòi hoàn tiền, do lo ngại trước các bản tin về khả năng vỡ nợ, phong tỏa tài khoản hay đột ngột sập tiệm của các công ty này. Trong 2 tuần qua, ít nhất 57 nền tảng dạng này ở Trung Quốc đã tê liệt.
Riêng tháng 6, con số này là 80 - nhiều nhất trong 2 năm qua. Các nền tảng này đã ngừng hoạt động, bị cảnh sát điều tra, không trả được tiền cho nhà đầu tư, chuyển sang loại hình kinh doanh khác hoặc người điều hành ôm tiền khách bỏ trốn.
“Nhà đầu tư đang mất niềm tin ở các nền tảng nhỏ, vì họ không biết liệu các công ty đó có tồn tại được không”, Dexter Hsu - nhà phân tích tại Macquarie Capital cho biết. Hiện nay chỉ một phần nhỏ trong 2.000 công ty là có thể sống sót.
Ngành công nghiệp P2P tại Trung Quốc hiện lớn nhất thế giới. Đây là một trong những mảng rủi ro và khó quản lý nhất trong hệ thống ngân hàng ngầm nước này. Chính phủ Trung Quốc đã gây sức ép lên các nền tảng này suốt 2 năm qua. Áp lực càng tăng vài tháng gần đây, khi thị trường tín dụng nước này thắt chặt và giới chức ngân hàng cảnh báo người gửi có thể mất tiền nếu đầu tư vào công cụ lãi suất cao.
Việc này đã ảnh hưởng đến kế hoạch niêm yết của nhiều công ty P2P. Nó cũng khiến Chính phủ Trung Quốc thêm khó khăn, khi vừa phải hạn chế rủi ro tín dụng, vừa phải tránh một cuộc khủng hoảng.
Đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy sự chao đảo của P2P đang lan ra các sản phẩm quản lý tài sản do ngân hàng phát hành. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng ngầm quy mô 10.000 tỷ USD tại Trung Quốc cũng phải đối mặt với rủi ro tương tự từ các vụ vỡ nợ ngày càng nhiều, kinh tế tăng trưởng chậm lại và sự không ủng hộ của cơ quan quản lý.
Các nền tảng P2P của Trung Quốc hiện có khoảng 50 triệu người dùng, với 1.300 tỷ NDT (195 tỷ USD) nợ lưu hành, phần lớn có kỳ hạn ngắn. Thông thường, người gửi phải đợi đến khi các khoản cho vay của công ty đáo hạn mới lấy được tiền. Tuy nhiên, những người muốn rút chân sớm lại bán quyền nhận tiền cho người khác với giá rẻ hơn, hoặc đến thẳng văn phòng công ty đòi hoàn tiền.
Qian88.com tháng trước đã phải đóng cửa, một phần vì “sự hoảng loạn lan truyền giữa các nhà đầu tư”. Họ đã phải gọi cảnh sát để đảm bảo trật tự, khi khách hàng đổ xô đến văn phòng công ty ở Thâm Quyến đòi hoàn tiền.
Một nền tảng khác - Lqgapp.com cũng mới phải ngừng hoạt động. Nguyên nhân là một số nhà đầu tư trên diễn đàn phàn nàn về việc khó lấy lại tiền, khiến hàng loạt người khác lo ngại và đổ đi rút. Trang này cho biết sẽ “nỗ lực” trả lại tiền cho người dùng trong 3 năm tới. Khoảng 220.000 người gửi tiền đã đổ vào đây 5 tỷ NDT.
David Gao (30 tuổi) làm việc tại ngành tài chính ở Bắc Kinh. Anh đã đổ 1 triệu NDT tiền tiết kiệm vào một nền tảng P2P ở Hàng Châu tháng 11 năm ngoái. Đến giờ, anh vẫn chưa lấy được tiền lãi và tiền gốc. Sau khi vượt hơn 1.000 km đến văn phòng công ty, Gao và nhiều người khác chỉ thấy một căn phòng trống trơn.
“Tôi sẽ không đầu tư vào bất kỳ nền tảng P2P nào nữa. Tôi không tin họ nữa đâu”, Gao cho biết, “Tôi buồn lắm, nhưng đành cố vượt qua thôi. Ở đây còn nhiều người khác, lớn tuổi hơn, thiệt hại hơn tôi nhiều”.
Dĩ nhiên, ở chiều ngược lại, tình hình này cũng ảnh hưởng tới các công ty, cá nhân phải dựa vào P2P để có vốn. Đó là các doanh nghiệp nhỏ cần vốn lưu động, người không có lịch sử tín dụng tốt, nhà đầu tư chứng khoán và người mua nhà trả góp.
Giới chức Trung Quốc thì cho biết nhiều nền tảng P2P huy động vốn bất hợp pháp vì mục đích riêng. Một số lại chạy theo mô hình lừa đảo kim tự tháp. Việc này khiến họ phải siết chặt quản lý.
Tháng trước, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc cảnh báo các khoản đầu tư, tiết kiệm hứa hẹn lợi nhuận trên 8% là “rất nguy hiểm”. Nhà đầu tư có thể mất tiền nếu con số này vượt 10%. Nửa đầu năm nay, lãi suất trung bình với các khoản vay P2P là 10,2%.
Hà Thu (theo Bloomberg)