Tuần trước, một công ty sản xuất game online Trung Quốc đã chi 2,35 triệu USD trong một cuộc đấu giá từ thiện để được ăn trưa với huyền thoại đầu tư Warren Buffett. Đây là lần thứ 2 người Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc đấu giá này. Năm 2008, nhà đầu tư Zhao Danyang đã trả 2,1 triệu USD cho bữa trưa với Buffett.
"Tôi cho rằng họ đang hào hứng với thị trường chứng khoán, và thế là họ nhớ đến tôi", ông cho biết về nhà đầu tư Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn.
Phiên đấu giá này là tín hiệu mới nhất cho thấy Buffett ngày càng được hâm mộ tại Trung Quốc. Trong đại hội cổ đông của Berkshire Hathaway tháng trước, hơn 200 người Trung Quốc đã tới nghe Buffett và Charlie Munger trả lời các câu hỏi của cổ đông. Nhóm này đông tới nỗi, lần đầu tiên Berkshire đã phải xếp phòng riêng cho người Trung Quốc để nghe phiên dịch trực tiếp từng câu hỏi và câu trả lời.
Không phải tất cả người tham gia đều là cổ đông Berkshire, nhưng rất nhiều người là nhà đầu tư lớn tại Trung Quốc, Buffett cho biết. Một thập kỷ trước, hầu như chẳng có người Trung Quốc tới dự sự kiện này.
"Họ coi Buffett là người có bàn tay vàng như vua Midas", Willy Lam - chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Trung văn Hương Cảng nhận xét về quan điểm của nhà đầu tư Trung Quốc với Buffett.
Nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu theo dõi Buffett và học theo các nguyên tắc của ông từ một thập kỷ trước, sau khi truyền thông nước này bắt đầu đưa tin nhiều về Berkshire. Guo Guanchang - người đứng đầu Fosun Group được coi là Warren Buffett của Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái, ông cho biết Buffett đã trở thành biểu tượng nổi tiếng tại quê hương mình, nhờ các bài báo về kỷ lục đầu tư của ông. Một lý do khác là người Trung Quốc cũng đang ngày càng quan tâm đến thị trường chứng khoán.
Những năm gần đây, Mỹ ngày càng nhận được nhiều đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Trong buổi họp tháng trước, Buffett và Munger đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến nước này. Buffett đã gọi sức tăng trưởng của Trung Quốc là "hoàn toàn thần kỳ".
"Không thể tin được một quốc gia quy mô như thế lại đi được nhanh và xa đến vậy. Họ đã tìm ra cách giải phóng tiềm năng của mình", Munger cũng cho biết.
Dù vậy, sự hâm mộ của người Trung Quốc với Buffett cũng gây ra một số rắc rối cho Berkshire. Năm 2006, luật sư của một tập đoàn đã nộp đơn xin bản quyền tên Buffett, một phần vì quá nhiều website tại Trung Quốc sử dụng tên Buffett cho các dịch vụ của mình. Nhưng luật sư này sau đó đã phải từ bỏ ý định do quá phức tạp.
Ít nhất 7 tờ báo lớn của Trung Quốc đã đưa tin về cuộc họp của Berkshire những năm gần đây. Buffett cho biết ông cũng trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Trung Quốc CCTV mỗi năm quanh dịp này. Chủ đề thường là các xu hướng thị trường và nguyên tắc đầu tư.
Những bình luận và hành động của Buffett luôn được nhà đầu tư Trung Quốc theo dõi chặt. Sau khi tỷ phú ca ngợi nhãn hiệu quần áo nam Dalian Dayang Trands năm 2009, cổ phiếu hãng này đã tăng tới 70%. Ông cũng thuyết phục người bạn lâu năm - Bill Gates mua trang phục từ Trands. Buffett đã tới Trung Quốc 4 lần, lần đầu là năm 1995 cùng Bill Gates. Trong khi đó, ông mới tới Ấn Độ một lần.
Tháng 12 năm ngoái, cổ phiếu hãng xe điện Trung Quốc - BYD đã lao dốc 47%, một phần do tin đồn Berkshire bán 9,9% cổ phần trong công ty này. Dù vậy, sau đó, Berkshire đã cho biết vẫn chưa bán và không có kế hoạch bán cổ phiếu BYD.
Berkshire cũng đã kiếm lợi nhuận kha khá từ PetroChina, khi mua 1,3% cổ phần hãng này với gần 500 triệu USD năm 2003. 4 năm sau đó, họ đã kiếm được hơn 3 tỷ USD nhờ bán số cổ phần này.
Hà Thu (theo Wall Street Journal)