Theo thống kê có khoảng 80% sinh viên đại học đi ngủ sau nửa đêm, 1/4 trong số họ thức tới 2h sáng, thậm chí muộn hơn.
Dựa trên dữ liệu thu thập từ các thiết bị đeo điện tử của hơn 150.000 người cho thấy việc dùng điện thoại là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của sinh viên đại học.
Ông Hoàng Chí Lý, chủ tịch Hiệp hội, giáo sư Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) cho biết người Trung Quốc ngày càng chuộng lối sống "cú đêm", đặc biệt là giới trẻ. Điều này dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ trở nên phổ biến hơn.
Trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc, giới trẻ cũng chia sẻ những trải nghiệm về "revenge bedtime procrastination" - sự trì hoãn giấc ngủ trả thù. Họ thức khuya vì cảm giác không có đủ thời gian trong ngày. Họ cảm thấy công việc hoặc các trách nhiệm trong ngày đã chiếm hết thời gian cá nhân của mình.

Ảnh minh họa: Pexels
Một người ở tỉnh Chiết Giang chia sẻ lịch trình hàng ngày của mình trên mạng xã hội Xiaohongshu rằng sau tan làm, cô thường về nhà nằm đọc tiểu thuyết online, lướt video ngắn giải trí cho đến nửa đêm.
"Ngày nào tôi cũng xem điện thoại đến khuya, tôi thấy đầu óc được thư giãn, không phải suy nghĩ nhiều vào ban đêm", người này nói.
Một người khác ở tỉnh Quảng Tây cũng cho biết sau khi đi làm, cô ngày càng thức khuya để có thời gian riêng cho bản thân.
"Việc phải dậy đi làm lúc 7h sáng khiến tôi càng khó ngủ, thay vào đó sẽ thức lướt mạng", cô gái ở Quảng Tây nói.
Ngoài người trẻ chuộng lối sống "cú đêm", khảo sát cho thấy hầu hết các độ tuổi khác cũng gặp vấn đề về giấc ngủ. 65% người tham gia khảo sát cho rằng một tuần mất ngủ vài lần, thường thức giấc giữa đêm hoặc đến sáng mới ngủ.
Theo ông Hoàng Chí Lý, giấc ngủ, dinh dưỡng và thể dục là ba yếu tố chính giúp có một cuộc sống khỏe mạnh. Đặc biệt, phải ngủ đủ mới có năng lượng làm việc cho một ngày.
Wang Zan, trưởng khoa Thần kinh của bệnh viện Y học Quân đội Trung Quốc nhấn mạnh giấc ngủ không chỉ là ngủ đủ thời gian mà còn xét đến yếu tố hiệu quả, thời gian, sự duy trì đều đặn và cảm giác thoải mái sau khi ngủ.
Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, bà Zan đề xuất đảm bảo phòng ngủ mát mẻ và tối, nghe một chút tiếng ồn trắng, ngủ và thức dậy đúng giờ. Ngoài ra, cũng có thể tập thể dục vừa phải để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Thanh Thanh (Huffpost)