Các trung tâm thương mại ở Hong Kong ngày 8/1 tung ra nhiều khuyến mại có tổng trị giá 2,3 triệu USD để thu hút làn sóng khách mua sắm từ Trung Quốc đại lục, sau khi các hạn chế ngăn Covid-19 được dỡ bỏ và nhiều trạm kiểm soát nối lại hoạt động.
Tuy nhiên, cảnh tượng tại các cửa hàng ở Hong Kong trong ngày đầu Trung Quốc mở cửa không như kỳ vọng của các thương gia. New Town Plaza, trung tâm thương mại từng rất thu hút du khách đại lục, chỉ ghi nhận vài khách hàng tới từ đại lục. Cửa hàng Chanel ở khu Tiêm Sa Chủy chỉ đón một khách tới từ Trung Quốc.
Người Trung Quốc đã rất háo hức được ra nước ngoài du lịch, mua sắm sau gần ba năm nước này đóng cửa biên giới trong chiến lược "Không Covid" nghiêm ngặt. Từ 8/1, công dân Trung Quốc có thể rời khỏi đất nước mà không cần lý do đặc biệt, cũng không cần cách ly khi quay lại.
Tập đoàn Trip.com, nhà cung cấp dịch vụ du lịch quốc tế lớn, cho hay lượt tìm kiếm đơn xin thị thực trên mạng đã tăng 300%. Trong khi đó, lượng đặt chuyến bay nội địa tăng hơn 250% trong vòng một ngày, sau khi chính phủ tuyên bố dỡ bỏ hạn chế du lịch nước ngoài hồi tháng 12.
Tuy nhiên, khi quyết định mở cửa biên giới được ban hành, tâm lý chung của họ lại là thận trọng và ngần ngại, khi chứng kiến làn sóng dịch bùng phát trong nước, cũng như những động thái hạn chế mà một số quốc gia áp với người đến từ Trung Quốc.
Sandy Chen, người Trung Quốc di cư tới Sydney, cho hay vợ chồng anh họ ở Thượng Hải đang lên kế hoạch sang Australia du lịch trong tuần này. Tuy nhiên, họ cảm thấy bất an khi chính phủ Australia yêu cầu người Trung Quốc nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính. Để làm được xét nghiệm, họ bắt buộc phải tới bệnh viện.
"Bệnh viện đang quá tải, quá đông người nhiễm virus. Y tá, bác sĩ cũng dương tính với Covid-19", Shen nói. "Chị dâu họ của tôi đang mang thai. Họ có thể nhiễm nCoV nếu tới bệnh viện làm xét nghiệm".
Từ 5/1, tất cả hành khách đến từ Trung Quốc, bao gồm công dân Australia, đều phải làm xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành và cung cấp kết quả âm tính trước khi lên máy bay.
Australia áp dụng quy định này sau một số nước như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc. Shen chỉ trích động thái này là "chính sách vội vàng, chỉ muốn làm hài lòng cử tri, thiếu bằng chứng khoa học".
Sam Huang, giáo sư ngành du lịch quốc tế, Đại học Edith Cowan, cho rằng đây là động thái dễ hiểu của giới chức Australia vì sự an toàn của hành khách quốc tế, trong bối cảnh Trung Quốc đang ghi nhận nhiều ca nhiễm mỗi ngày. "Nhưng chúng ta cũng cần tính tới tình hình ở Trung Quốc. Để có được giấy xét nghiệm không hề dễ dàng. Đây là rào cản lớn với người muốn đi du lịch", Huang nói.
Đa số các trạm xét nghiệm PCR ở Trung Quốc đã đóng cửa từ khi nới lỏng chính sách "Không Covid". Do đó, người muốn đi du lịch nước ngoài phải tới bệnh viện làm xét nghiệm, khiến quá trình này trở nên khó khăn hơn và buộc họ đối mặt nguy cơ lây nhiễm.
Ngoài ra, giá vé máy bay cao, số ca nhiễm tăng vọt ở Trung Quốc cũng gây trở ngại cho người muốn đi du lịch. Vincent Yan đã hủy kế hoạch tới Australia vì mắc kẹt trong bệnh viện do viêm phổi sau khi mắc Covid-19.
"Tôi định sang Australia thăm bạn bè năm nay, nhưng giờ không thể đi", anh nói.
Gia đình Yan sống ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Cả vợ và con gái anh đều đã hồi phục sau khi nhiễm, nhưng riêng anh bị biến chứng viêm phổi, xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau tức ngực, mệt mỏi và tiêu chảy.
"Khi Trung Quốc nới hạn chế, tôi tưởng chúng tôi sẽ sớm ra nước ngoài du lịch", Yan nói. "Nhưng kế hoạch nào cũng có bất ngờ".
Dù vậy, Australia vẫn nằm trong danh sách điểm đến của gia đình Yan. Con gái anh rất mong đợi chuyến đi. "Con bé muốn nhìn thấy những loài động vật đặc trưng của Australia", người bố 42 tuổi cho hay.
Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật Bản và Thái Lan nằm trong top 5 điểm đến phổ biến nhất, trong khi Australia đứng thứ 9. Các nhà khai thác du lịch Australia e ngại du khách Trung Quốc, nhóm khách du lịch nội địa lớn nhất của nước này, sẽ không quay lại mức trước đại dịch cho tới năm 2025 hoặc 2026.
James Shen, chủ công ty Odyssey Travel ở Melbourn, cho biết khách du lịch Trung Quốc đang cân nhắc các điểm đến tiết kiệm chi phí hơn.
"Sau nhiều năm sống với các quy định hạn chế, người dân bây giờ không còn nhiều tiền nữa", anh nói. "Chưa chắc họ chọn du lịch đường dài như Australia".
Hồng Hạnh (Theo ABC, SCMP)