Anh phải làm việc thêm ngày cuối tuần ở trước và sau kỳ nghỉ. Điều này đồng nghĩa chỉ một trong số 5 ngày nghỉ là lễ thật sự. "Tôi thật sự không thích nó chút nào", anh nói.
Kỳ nghỉ dài hạn của Hao được gọi là tiaoxiu, thuật ngữ chỉ việc chuyển ngày làm việc sang cuối tuần để tạo ra kỳ nghỉ lễ dài ngày cho người lao động. Tiaoxiu xuất hiện vào năm 1999 nhằm để kích thích tiêu dùng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Tuy nhiên, làn sóng than phiền về kỳ nghỉ dài đã bùng nổ trên mạng xã hội Trung Quốc. Cuộc thảo luận trực tuyến "mệt mỏi vì tiaoxiu" đã thu hút 560 triệu lượt tương tác trên Weibo.
Họ phàn nàn bởi thể chất và tinh thần đều mệt mỏi do làm việc quá giờ. "Ai sẽ có tâm trạng tiêu tiền nếu họ không có ngày nghỉ thật sự", một tài khoản bình luận. Đồng thời, họ bày tỏ mong muốn thời gian nghỉ hiệu quả hơn là làm lộn xộn mọi thứ để có nhiều ngày nghỉ.
Mặt khác, kỳ nghỉ dài thường dẫn đến cuộc tranh giành vé máy bay, khách sạn, tàu xe về quê. Thậm chí, giá cả ở một số điểm du lịch nổi tiếng đã bị thổi phồng.
Bên cạnh Quốc tế lao động 1/5, người Trung Quốc còn có kỳ nghỉ "làm bù" tương tự vào Tết Nguyên đán vào tháng 1 hoặc tháng 2, Quốc khánh 1/10. Kỳ nghỉ 7 ngày được xem là tuần lễ vàng.
Christian Yao, giảng viên Đại học Wellington, nói nền kinh tế chậm lại đã khiến các công ty đặt áp lực phải cải thiện năng suất lao động và cắt giảm chi phí. "Người lao động bị ép buộc phải làm việc chăm chỉ bởi họ sợ mất việc", ông nói.
Dù họ đã quen với văn hóa 996 (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối 6 ngày mỗi tuần) nhưng người lao động vẫn không ủng hộ kỳ nghỉ dài để rồi phải làm bù sau đó.
Với chính sách này, Trung Quốc có 25 ngày là ngày lễ chính thức nhưng nếu trừ đi những ngày làm bù, họ chỉ có 11 ngày. Dù vậy, số ngày vẫn nhiều hơn các quốc gia khác như Mỹ là 11 ngày và Anh 8 ngày.
Phép năm, tức thời gian nghỉ có lương theo quy định của Trung Quốc là 5 ngày mỗi năm, ít hơn nhiều so với nước khác.
Max Teng, nhà phân tích kinh doanh ngành công nghệ, từng làm việc cho công ty nước ngoài nói nghỉ phép sẽ khiến đồng nghiệp có phản hồi tiêu cực về anh. Do đó, nhiều người không dám xin nghỉ phép.
Yaer Tuerdi, 26 tuổi, nhân viên tiếp thị tập đoàn thực phẩm Yum China (YUMC) nói công ty anh không yêu cầu nhân viên phải đến làm việc trong hai ngày làm bù trong kỳ nghỉ. "Tôi thích điều này", Tuerdi nói. Anh có thể sắp xếp kỳ nghỉ một cách tự do.
Ông Yu Donglai, người sáng tập chuỗi siêu thị Pang Dong Lai ở tỉnh Hà Nam, đã cho nhân viên 10 ngày phép mỗi năm, nếu họ không cảm thấy thoải mái khi làm việc. Ông cho rằng ai cũng được quyền buồn hoặc chán nản. "Kỳ nghỉ có thể sẽ khiến họ cảm thấy tốt hơn", ông nói.
Còn với Teng, anh sẽ phải làm việc vào ngày 11/ 5, tức thứ 7 như thỏa thuận vốn có của kỳ nghỉ tiaoxiu.
"Tôi thấy phiền lòng vì phải làm việc ít nhất 6 ngày liên tiếp", anh nói.
Ngọc Ngân (Theo CNN)