Lần nào đưa chiếc xe MG 3 màu xám cũ kỹ đi bảo dưỡng, Cao Jun cũng phải tạt qua hai đại lý Nissan và Honda ở ngay cạnh để ngắm nghía một lát. Nhưng với người đàn ông 40 tuổi hiện sống ở thành phố Bình Đỉnh Sơn, tỉnh Hà Nam, những mẫu sedan Honda Civic và Nissan Sylphy trong showroom chỉ là thứ để ngắm mà thôi. Cao muốn lên đời xe, nhưng anh còn nhiều mối lo khác, từ tiền vay ngân hàng mua nhà đến tiền thuốc cho vợ, cùng với đó là tình hình kinh tế không mấy sáng sủa ở thị trấn mỏ từng rất giàu có này, Reuters viết.
Sức mua giảm vì kinh tế khó khăn
Không chỉ mình Cao chật vật. Thị trường xe hơi Trung Quốc, nơi được coi là lớn nhất thế giới, đang đứng trước nguy cơ lao dốc lần đầu tiên trong gần 30 năm qua. Suy thoái kinh tế, cùng tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng nóng, đang được cảm nhận rõ nhất ở các thành phố nhỏ Bình Đỉnh Sơn, vốn được coi là những động cơ cho tăng trưởng tiêu thụ hàng tiêu dùng và xe hơi của Trung Quốc.
Trung Quốc từ lâu vẫn hy vọng sẽ thúc đẩy tiêu thụ ở các thành phố này, coi đây là cách để đa dạng hóa nền kinh tế từ lâu dựa vào sản xuất. Tuy nhiên, dấu hiệu của sức mua giảm đã xuất hiện ở mọi ngóc ngách, từ vé xem phim, mua sắm trực tuyến đến điện thoại thông minh. Một phần lý do là những người tiêu dùng như Cao phải thắt chặt chi tiêu.
Những năm gần đây, hoạt động của Tập đoàn Than và hóa chất nhà nước Pingmei Shenma nơi Cao làm việc, bị thu hẹp, thu nhập của anh vì thế cũng giảm theo. Để kiếm sống, Cao đành làm thêm nghề lái xe bán thời gian. Với mức lương khoảng 6.000 nhân dân tệ (864 USD) mỗi tháng, Cao trả tiền vay mua nhà hết 1.000 tệ, chi 400 tệ mua thuốc cho vợ và khoản còn lại dành cho việc học của hai cô con gái.
"Tất cả những thứ này cứ bám riết lấy cuộc đời tôi. Tôi muốn mua một chiếc xe tốt hơn, nhưng tình hình hiện tại không cho phép", Cao thở dài. Từ lâu, gia đình Cao cũng đã quên đi những chuyến đi chơi xa hay nhà hàng sang trọng.
Câu chuyện của Cao và những người tương tự, đang tác động không nhỏ đến các đại lý xe địa phương, rộng hơn là các hãng xe lớn trên toàn cầu, từ GM đến Volkswagen, theo Reuters.
Xu Haidong, trợ lý tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, tiết lộ nhiều thành phố từng dẫn đầu về doanh số ôtô, nay gần như không có dấu hiệu tăng trưởng. Bình Đỉnh Sơn là một ví dụ. Những năm 1990 là thời kỳ bùng nổ kinh tế ở Bình Đỉnh Sơn nhờ ngành công nghiệp than phát triển mạnh mẽ. Nhưng kể từ khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng xanh, mọi thứ đã thay đổi. Nền kinh tế địa phương sa sút.
Trong thời kỳ "hoàng kim", một chiếc xe gia đình được coi là biểu tượng của thành công, thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình của cả nước. Nhưng đó là chuyện của quá khứ.
"Tình hình ở đây thật tệ. Số xe bán ra hồi tháng 10 ít hơn 40% so với tháng 9. Trong 6 năm kể từ khi tôi làm đại lý, đây là điều bất thường", Zheng Shuke, quản lý một đại lý SAIC-VW ở Bình Đỉnh Sơn, cho hay. "Tôi nghĩ, vấn đề lớn nhất là ngày càng ít người có đủ tiền để mua xe. Nền kinh tế dựa vào các nguồn nhiên liệu tự nhiên, nay bị thu hẹp, không phải ai cũng có ‘bát cơm sắt’ (cụm từ để ám chỉ các công việc được đảm bảo với thu nhập và lợi ích ổn định như công nhân, viên chức nhà nước)".
Phóng viên Reuters đã trò chuyện với 20 người, bao gồm người tiêu dùng và đại lý xe như Zheng, các chuyên gia tài chính và quan chức chính phủ, hầu hết đều ở Bình Đỉnh Sơn. Họ cho biết thị trường ôtô ở tỉnh Hà Nam năm nay giảm chóng mặt vì người tiêu dùng phải thắt lưng buột bụng.
Bức tranh tối của toàn ngành
Theo dữ liệu của hãng Daas-Auto, Hà Nam là một trong những nơi có doanh số bán xe lớn cao nhất Trung Quốc với hơn 1 triệu chiếc được bán trong năm nay. Nhưng mức tăng trưởng đã giảm liên tiếp 4 tháng, tới 18% trong tháng 10 sau khi giảm 25% hồi tháng 9. Trước tình hình đó, các đại lý xe nhanh chóng tung chiêu giảm giá để thu hút người mua, nhưng cũng không ăn thua.
Jiang Long, quản lý hãng xe Baojun, cho biết trong năm nay, lượng khách hàng đã giảm đi nhiều, đặc biệt kể từ tháng 6. Cửa hàng có hơn 100 xe mới chờ được trao tay chủ nhân, nhưng khách hàng thì đếm trên đầu ngón tay. Jiang tiết lộ doanh số đã sụt 40-60% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Đây chỉ là một phần trong kho của chúng tôi thôi, ở nơi khác còn nhiều lắm. Chúng tôi đã thử gọi cho các khách hàng cũ để giới thiệu mẫu xe mới, nhưng họ không mặn mà", Jiang nói.
Theo dữ liệu ngành, những mẫu bán chạy nhất ở khu vực nông thôn hay tỉnh lẻ thường là xe đơn giản, không có quá nhiều tiện ích. Tại Bình Đỉnh Sơn, đó là những chiếc SUV Wuling Hongguang, Baojun 730, Haval H6, Lavida hay Buick Excelle.
Còn ở huyện Lỗ Sơn, các gia đình trước đây từng rất tự hào vì có một chiếc xe tốt, nhưng giờ thì đều ghìm lại, theo Si Pengyuan, chủ đại lý Baojun. "Người dân vùng nông thôn rất thích cạnh tranh với nhau. Khi gia đình này mua xe, hàng xóm sẽ không chịu kém cạnh và đến đại lý tậu ngay một chiếc. Nhưng năm nay, họ không tới nữa. Các gia đình đã mua xe nhiều năm cũng không có ý định đổi xe mới", Si buồn rầu.
Thời kỳ suy thoái ở Bình Đỉnh Sơn khiến giới kinh doanh và chính quyền địa phương lo ngại rằng trong tương lai, giới trẻ sẽ ít có sức mua hơn và chọn cách rời quê hương lên thành thị. Kinh tế phát triển chậm chạp đã phá vỡ niềm tin của người tiêu dùng, nhu cầu vay tín dụng cũng giảm dần vì nguy cơ rủi ro và mức nợ cao. Sau nhiều tháng ế khách, nhiều chủ đại lý gọi đây là "thời kỳ đen tối" với ngành công nghiệp xe hơi.
Người đã có xe cũng rơi vào tình cảnh túng thiếu. Ruan Pengfei, 33, tuổi, mua chiếc Buick Excelle GT với giá 110.000 nhân dân tệ cách đây một năm và thích thích lái xe đi làm. Kinh tế trì trệ, doanh thu bán hàng quần áo trẻ em của Ruan cũng lao đao. Ông bố hai con đang tính bán xe với giá 85.000 nhân dân tệ (12.200 USD) để quay lại dùng chiếc Honda Fit cũ. Nhưng bán xe không dễ chút nào.
"Giá cuối cùng của tôi là 80.000 nhân dân tệ (11.500 USD). Nhưng ai đến cũng lắc đầu, nói giá quá cao".
Hoàng Anh (theo Reuters)