Vào một tối thứ 6, Karns You mắt nhắm nghiền, đứng giữa phòng karaoke say sưa hát một bài hát rock ballad nổi tiếng hồi thập niên 80 ở Hong Kong và mặc kệ bạn gái ngồi bên cạnh đang dán mắt vào màn hình điện thoại. Karns hiện sống ở thành phố Richmond, vùng British Columbia, Canada. Chàng thanh niên với mái tóc nhuộm vàng cho biết mỗi tuần anh phải đi hát karaoke 4 lần, New York Times đưa tin.
"Đôi khi, tôi chỉ muốn hát và hát nữa", Karns nói. "Karaoke là hình thức giải tỏa căng thẳng tốt nhất". Đến từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, Karns đang làm trong một công ty xây dựng của một người họ hàng ở Canada.
Cũng giống như nhiều người Trung Quốc nhập cư, Karns là khách hàng thân thiết của chuỗi karaoke Party World KTV. Nhìn bề ngoài, tụ điểm giải trí ưa thích của cộng đồng người Trung Quốc này trông như một chiếc bánh cưới khổng lồ được thiết kế theo phong cách đĩa bay ngoài hành tinh. Không gian bên trong như mê cung với hàng chục phòng hát karaoke san sát nhau. "Đặc sản" của Party World KTV là 18 loại trà sữa và một kho lưu trữ hàng nghìn bài hát bằng tiếng Trung phổ thông và tiếng Quảng Đông.
Thống kê dân số năm 2016 cho thấy 54% dân số của Richmond là người gốc Trung Quốc trong khi đó 25 năm trước, 70% dân số ở đây là người da trắng. Làn sóng người nhập cư đã biến đổi thành phố ven biển phía tây nam Canada thành một Trung Quốc thu nhỏ.
Hồi đầu tháng, một nhóm cư dân sống trong chung cư đã khiếu nại lên tòa án bang vì cho rằng họ bị phân biệt đối xử ngay trên chính quê hương của mình. Theo đó, trong mọi cuộc họp của khu chưng cư, họ như bị cho ra rìa vì hội đồng cư dân, toàn người Trung Quốc, nhất quyết không nói tiếng Anh.
Căng thẳng về sắc tộc giữa người nhập cư và dân bản địa còn đi xa hơn khi đầu năm nay một kẻ quá khích rải các tờ rơi với thông điệp "Bọn da trắng hãy tránh sang một bên! Người Trung Quốc sẽ tiếp quản chốn này". Ngay sau đó, người dân địa phương phát động một phong trào mang tên "Hãy cứu Richmond!".
Ở Richmond, các nhà hàng Trung Hoa với thực đơn đa dạng vùng miền mọc lên như nấm. Biển hiệu và pano quảng cáo viết bằng tiếng Trung nhiều đến mức hội đồng thành phố phải ban hành chính sách khuyến khích các cửa tiệm và nhà hàng sử dụng ít nhất 50% tiếng Anh.
Trước kia, karaoke là khái niệm hoàn toàn xa lại ở Richmond. Nhưng giờ đây, để đáp ứng nhu cầu của người nhập cư Trung Quốc, các tiệm hát karaoke phát triển "như nấm sau mưa".
"Đi hát karaoke cực kỳ vui vì chúng tôi được làm những trò ngốc nghếch", Jeffrey Hou, sinh viên đại học British Columbia, nói khi đang đợi xếp chỗ vào phòng riêng với một nhóm bạn toàn người châu Á. Hou cho biết cứ vài tuần cậu lại đi hát một lần.
Với 18 USD cho một giờ hát, các khách hàng đến đây chủ yếu để giải tỏa căng thẳng và đôi khi để khoe tài năng ca hát.
Tầng trên, trong phòng hạng VIP với quầy rượu, đèn chùm pha lê sáng lấp lánh, màn hình cỡ lớn, 4 thanh niên Trung Quốc làm nghề bán điện thoại di dộng, đang vui vẻ uống bia và hò hát. "Chúng tôi đến đấy để uống là chính", Jiang Ben giải thích trong khi dân Canada đi bar hoặc pub thì người Trung Quốc lại chọn quán karaoke để say sưa.
"Không bốc phét đâu. Chúng tôi đến đây mỗi tháng hai lần là ít", cậu thanh niên 25 tuổi cho biết. Cách đây 6 năm, Ben đến Canada học đại học, sau đó, ở lại làm việc.
"Người châu Á sống hướng nội", Wang Yang, 28 tuổi, một thành viên trong nhóm, mơ màng thổ lộ. "Chúng tôi thường giấu giếm cảm xúc của mình vì vậy mỗi dịp đi hát karaoke chúng tôi được thể hiện nỗi buồn ra ngoài chẳng hạn như kỷ niệm chia tay bạn gái hồi trung học".
Trong khi đó, Qi Qi, một cô gái 23 tuổi đến từ Giang Tô, Trung Quốc, yên lặng cả buổi tối. "Tôi ngượng lắm!", Qi Qi nói. Nhưng khi nhạc phim "Titanic" vang lên, Qi không thể kiềm chế được nữa, cầm vội lấy chiếc micro gần đó và bắt đầu hát như thể đang một mình một vương quốc.
An Hồng