100 cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh, trường hàng đầu Trung Quốc, đã ký kiến nghị trực tuyến kêu gọi cơ quan chức năng xem xét trường hợp người phụ nữ tâm thần họ Dương bị chồng xích trong túp lều ở huyện Phụng Hiền, tỉnh Giang Tô, sau video được chia sẻ trên mạng xã hội tháng trước.
"Hoàn cảnh bi thảm và khổ ải của người phụ nữ đó đã khơi dậy lòng trắc ẩn, mối quan tâm cũng như nỗi lo lắng, tức giận đáng lo ngại", thư kiến nghị của các cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh có đoạn.
Bản kiến nghị được đăng trên Weibo tối 15/2, nhưng nhanh chóng bị xóa.
Hàng chục cựu sinh viên ngôi trường danh tiếng khác là Đại học Thanh Hoa cũng đăng bản kiến nghị tương tự trên Twitter. Nhiều bức ảnh cho thấy những người cầm khẩu hiệu kêu gọi điều tra toàn diện cũng được đăng trên mạng xã hội Trung Quốc, nhưng sau đó bị xóa.
Sự phẫn nộ lan rộng sau khi video trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, cho thấy một phụ nữ trung niên trông thất thần, đứng trong góc nhà kho không cửa và bị xích quanh cổ trong thời tiết lạnh giá. Người chồng họ Đông và 8 con, tuổi từ 2 tới 22, sống trong ngôi nhà gần đó.
Đông giải thích do vợ thường xuyên đập phá đồ đạc, tấn công người già và trẻ em, nên buộc phải xích cô lại trong nhà kho. Ông khẳng định chỉ xích vợ tạm thời tới khi bệnh tình khá hơn.
Giới chức Giang Tô ban đầu bác tin Dương là nạn nhân buôn người, khẳng định vợ chồng họ kết hôn hợp pháp từ năm 1998 và Dương được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần. Công chúng không chấp nhận giải thích này, tiếp tục bày tỏ sự phẫn nộ với phản ứng của chính quyền địa phương bởi họ đưa ra ba thông báo mâu thuẫn nhau.
Giới chức sau đó thừa nhận Dương có thể là nạn nhân buôn người, bắt Đông với cáo buộc giam người bất hợp pháp, trong khi hai người khác bị bắt vì tình nghi buôn người.
Sự việc đã làm dấy lên tranh luận gay gắt về nạn tảo hôn và nêu bật vấn nạn buôn bán phụ nữ đã tồn tại nhiều thập kỷ ở Trung Quốc. Bản kiến nghị của cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh cho rằng cuộc điều tra của giới chức địa phương vẫn chưa thuyết phục, thiếu nhất quán và đầy sai sót. Các bên ký tên kêu gọi chính quyền trung ương xác nhận danh tính người phụ nữ, giải quyết nạn buôn bán phụ nữ và buộc quan chức liên quan phải chịu trách nhiệm.
Đây không phải là lần đầu sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ưu tú của Trung Quốc cùng lên tiếng chống bất công xã hội. Năm 2016, cựu sinh viên Đại học Nhân dân Trung Quốc kêu gọi chính quyền trung ương điều tra kỹ lưỡng cái chết bí ẩn của Lei Yang, cựu sinh viên trường này.
Lei khi đó 29 tuổi, là nhà khoa học môi trường và là cha của bé gái mới chào đời. Lei chết trong lúc bị cảnh sát giữ vì cáo buộc mua dâm. Sự việc gây phẫn nộ toàn quốc. 5 cảnh sát liên quan sau đó bị điều tra và bị sa thải.
Huyền Lê (Theo SCMP)