Hôm 28/1 đánh dấu ngày đầu tiên của xuân vận có thể kéo dài đến 8/3, đợt dịch chuyển lớn nhất thế giới tại Trung Quốc, khi hàng triệu người đổ về quê đón Tết hay đi du lịch.
Tết âm lịch là dịp lễ lớn nhất trong văn hóa của người Trung Quốc, là thời điểm để quây quần với gia đình, tụ họp bạn bè và thưởng thức các bữa tiệc lớn. Tuy nhiên, kỳ nghỉ năm nay bắt đầu khá ảm đạm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn.
Bộ Giao thông Trung Quốc ước tính sẽ có khoảng 1,152 tỷ chuyến đi trong dịp tết năm nay, giảm khoảng 60% so với năm 2019. Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CACC) ước tính có 8.850 chuyến bay trong ngày 28/1, giảm 46,7% so với ngày đầu của kỳ nghỉ Tết năm 2020.
Cơ quan đường sắt quốc gia ước tính phục vụ 4 triệu lượt khách, giảm 66% so với thường niên và số chuyến tàu chở khách chỉ còn gần 6.600, giảm 33,4%.
Hôm qua, chỉ có 551 chuyến bay chở 37.600 hành khách cất cánh đến hoặc đi từ sân bay quốc tế Bắc Kinh, tương đương 13,7% so với ngày đầu tiên của đợt xuân vận năm ngoái. Sân bay này dự kiến phục vụ tổng cộng khoảng 22.000 chuyến bay với 1,93 triệu hành khách trong thời gian nghỉ Tết, giảm 60% về lượng khách và 40% về số chuyến bay so với cùng kỳ năm 2020.
Quang cảnh tại sân bay Bắc Kinh cũng tương tự các địa phương khác khắp cả nước, phản ánh sự thận trọng của Trung Quốc đối với đợt xuân vận năm nay giữa đại dịch Covid-19. Các ga tàu hỏa và sân bay khắp Trung Quốc cũng đang tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Nhà ga Tây Bắc Kinh đã bố trí một loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh và khử trùng, bao gồm lắp đặt tổng cộng 37 nhiệt kế hồng ngoại đo thân nhiệt hành khách tại lối ra vào, bố trí các "vạch kẻ một mét" ở nơi đông đúc để nhắc nhở hành khách giữ khoảng cách an toàn, đồng thời tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng, khử trùng hệ thống điều hòa để đảm bảo thông gió tốt.
Tại nhà ga Hồng Kiều Thượng Hải và sân bay Hồng Kiều, hành khách đeo khẩu trang rất hợp tác với công tác phòng chống dịch bệnh đang được áp dụng. Lượng xe cộ ở sảnh chờ của nhà ga thưa thớt.
Văn phòng Giao thông Tết Thượng Hải ước tính 35,7 triệu hành khách dự kiến đến hoặc rời khỏi Thượng Hải trong 40 ngày cao điểm đi lại. Đây là sự phục hồi lớn so với năm 2020, nhưng vẫn giảm so với năm 2019.
Chính quyền Trung Quốc ở tất cả các cấp gần đây kêu gọi người dân ở lại nơi làm việc thay vì trở về quê ăn Tết. Ít nhất 29 tỉnh đã đưa ra khuyến cáo người dân "ở yên tại chỗ" và tránh đi lại trong kỳ nghỉ Tết. Những người làm việc trong kỳ nghỉ sẽ được trả lương làm thêm giờ hoặc thêm thời gian nghỉ.
Hầu hết các thành phố trên toàn quốc đều không cho phép tổ chức các buổi tụ tập và liên hoan lớn như đám cưới, đám tang và tiệc đoàn tụ gia đình. Ở các khu vực ít rủi ro, các buổi họp mặt gia đình chỉ giới hạn tối đa 10 người. Khi ra ngoài, người dân luôn phải đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc vẫn quyết về quê sum họp gia đình, bất chấp khó khăn trong đi lại và nguy cơ lây nhiễm.
Một phụ nữ họ Wang làm việc tại Bắc Kinh nói rằng vì năm ngoái đã ăn Tết một mình nên năm nay cô nhất định phải về quê ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc, nơi cũng đang trải qua đợt bùng phát Covid-19. Cô đã mua vé tàu vào ngày 9/2.
"Tình hình đã được kiểm soát ở cả Trường Xuân và Bắc Kinh. Không có gì cản được tôi về nhà", Wang nói và lưu ý rằng "nếu có bị nhiễm virus thì đó số trời".
Lu, một sinh viên đang theo học ở Thượng Hải, vừa quay về nhà ở Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang hôm 27/1. Cô quyết định về quê trước Tết vì sợ các chính sách chống dịch địa phương có thể thay đổi và người đến từ các nơi khác phải cách ly sau ngày 28/1.
"Tuy nhiên, tôi không sợ bị nhiễm vì quy trình phòng dịch ở nhà ga rất nghiêm ngặt", Lu nói. "Trái lại, tôi còn cảm thấy rất an toàn. Một mặt, mọi người tự có ý thức và đều đeo khẩu trang. Mặt khác, có các nhân viên kiểm tra mã sức khỏe của họ và đo thân nhiệt".
Theo Lu, các biện pháp phòng dịch không kéo dài thời gian làm thủ tục của cô. "Thời gian chờ lên tàu vẫn vậy", cô nói.
Anh Ngọc (Theo Global Times)