Ngày 7/2, Cơ quan An ninh Y tế Quốc gia cho biết các công nghệ hỗ trợ sinh sản, thuốc giảm đau chuyển dạ sẽ được bảo hiểm chi trả ở tất cả tỉnh thành nhằm giúp đỡ những người muốn sinh con. Chính quyền trung ương và địa phương cũng phối hợp tìm biện pháp giảm chi phí cho các cặp vợ chồng đang vật lộn với chứng vô sinh.
Thụ tinh nhân tạo là phương pháp hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, phụ nữ độc thân vì một lý do nào đó không thể có thai theo cách tự nhiên. Thông thường có hai phương pháp thụ tinh nhân tạo là bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Theo giáo sư Wang Wenjun, chuyên gia về thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Tưởng niệm Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, các chính sách có mục đích tốt là giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu ngày càng sâu rộng, nhưng chúng có thể không tạo nhiều sự khác biệt.
"Chi phí y tế là áp lực ngắn hạn đối với những người đang muốn làm cha mẹ. Thay vì cố thúc đẩy họ mang thai, chúng ta nên khuyến khích sinh con bằng cách đưa ra các chính sách ưu đãi trong chăm sóc và giáo dục trẻ thứ hai, thứ ba", ông Wang nói.
Ông cho biết một lần thụ tinh ống nghiệm thường có giá từ 30.000 nhân dân tệ (4.400 USD) đến 50.000 nhân dân tệ (7.300 USD), khá đắt nếu không có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, so với chi phí nuôi dạy một đứa trẻ, ông cho rằng đây là số tiền nhỏ. Nhiều phụ nữ không sinh con vì muốn tiếp tục tham gia lực lượng lao động, không chấp nhận gián đoạn sự nghiệp.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh đi đầu trong việc công bố kế hoạch đưa 16 công nghệ hỗ trợ sinh sản vào chương trình bảo hiểm y tế công hồi tháng 2/2022. Tuy nhiên, thành phố sau đó hoãn thực hiện chính sách này, cho biết sẽ tuân thủ các quy định mới nhất của quốc gia.
Bất chấp các khuyến khích từ chính phủ, tại bệnh viện giáo sư Wang làm việc, số người tìm đến công nghệ hỗ trợ sinh sản giảm trong những năm gần đây do chi phí nuôi con tăng cao, phụ nữ thường ít sẵn sàng hy sinh sự nghiệp vì gia đình.
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp kỷ lục vào năm ngoái, với 6,77 trẻ trên 1.000 người. Theo khảo sát do Ủy ban Y tế Quốc gia thực hiện năm 2021, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không có ý định sinh con chủ yếu do áp lực tài chính và ảnh hưởng sự nghiệp.
Tỷ lệ vô sinh của Trung Quốc tăng từ khoảng 12% vào năm 2007 lên gần 18% vào năm 2020, tương đương với nhiều quốc gia có thu nhập cao, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa Lancet năm 2021.
Thục Linh (Theo SCMP)