Ngày 6/6, Đoàn công tác liên ngành tỉnh Phú Yên do ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu đã kiểm tra các cơ sở nuôi cá tại Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa), phát hiện hàng loạt sai phạm.
Vũng Rô có 5 bè nuôi cá, trong đó bè lớn nhất, hiện đại nhất là của DNTN Vĩnh Tín do bà Lâm Mỹ Khanh (gốc Hoa) đứng tên giám đốc. Bè này có gần 10 nhà nổi và khoảng 300 lồng nuôi, chiếm diện tích cả nghìn m2 mặt nước và chỉ cách Khu di tích lịch sử tàu Không số Vũng Rô chừng 200 m. Bè do người Trung Quốc tên Bành làm quản lý và trả lương cho lao động. Có 3 người Trung Quốc được cấp phép "chuyên gia kỹ thuật" để nuôi cá tại đây.
Đoàn công tác kiểm tra bè cá ở vịnh Vũng Rô. Ảnh: Thiên Lý. |
Ở phía đông cảng cửa khẩu Vũng Rô còn có 2 bè cá của Công ty TNHH Thuận Hoàng và bè của ông Trịnh Văn Đông. Kết quả kiểm tra cho thấy, diện tích mặt nước từ bãi Lau đến giáp mũi La do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên quản lý phục vụ quốc phòng. Đơn vị này lại ký hợp đồng cho Công ty TNHH Thuận Hoàng (có lao động Trung Quốc với tư cách chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật) thuê để nuôi trồng thủy sản.
Bà Bùi Thị Bích Ly, chủ doanh nghiệp Thuận Hoàng đưa ra bản ký kết hợp đồng số 1 ngày 8/9/2009 giữa công ty với Phòng Hậu cần thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh về thuê mặt nước nuôi cá mú và cá bốp. Thời gian thuê là 5 năm (2009-2013) với số tiền 20 triệu đồng một năm.
Tương tự, ông Trịnh Văn Đông (gốc Hoa, quê ở Sóc Trăng) cũng đầu tư nuôi cá trái phép tại đây từ năm 2009 đến nay. Các doanh nghiệp nuôi cá ở đây không có hồ sơ con giống và sản phẩm xuất bán; sử dụng thuốc thủy sản không nhãn mác và nguồn gốc, gây ô nhiễm môi trường...
Theo đoàn công tác liên ngành, 5 năm qua UBND tỉnh Phú Yên đã cấp phép cho 10 người Trung Quốc “hướng dẫn kỹ thuật” nuôi cá tại Vũng Rô. Tuy nhiên việc cấp phép này là không đúng quy định pháp luật.
Theo quy định, thẩm quyền cấp giấy phép cho lao động nước ngoài thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh. Thế nhưng, tất cả “chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật” người Trung Quốc làm việc ở Vũng Rô chỉ có giấy phép của UBND tỉnh, chứ không có giấy phép của Sở Lao động.
Ông Nguyễn Xuân Ngân, Chuyên viên Phòng Việc làm - An toàn lao động (thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Phú Yên), cho biết từ trước đến nay chưa nhận được bất cứ văn bản nào từ tỉnh và phía doanh nghiệp đề nghị cấp phép cho người Trung Quốc làm việc ở Vũng Rô.
Trong khi đó theo báo cáo của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô về việc quản lý người nước ngoài thì từ năm 2006 đến nay, chỉ 2 doanh nghiệp là Vĩnh Tín và Mỹ Ngọc có người nước ngoài hoạt động. Ông Đỗ Xuân Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô cho biết, nhiều người đã rời khỏi nơi này.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Phú Yên đã quy hoạch vịnh Vũng Rô để xây dựng cảng cửa khẩu và lọc hóa dầu từ năm 2005. Tình trạng bùng phát thả nuôi với hơn 300 bè tôm, cá, đặc biệt là việc thuê người Trung Quốc nuôi trái phép ở Vũng Rô là do các ngành chức năng và chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý, thiếu chặt chẽ trong phối hợp kiểm tra, xử lý.
Ngày 8/6, Đoàn công tác báo cáo vụ việc lên UBND tỉnh, đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Lãnh đạo tỉnh đang tiếp tục rà soát, kiểm tra việc cấp phép cho các doanh nghiệp nuôi cá bè và sử dụng người lao động Trung Quốc.
Mới đây cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa cũng phát hiện nhiều bè nuôi cá của người Trung Quốc ở gần cảng quân sự Cam Ranh.
Thiên Lý