Video quay lại vụ việc được một hành khách có tên Audra Bridges, đi trên chuyến bay từ Chicago đến Louisville, Mỹ ngày 9/4, chia sẻ lên Facebook và đã nhanh chóng thu hút hơn 12 triệu lượt xem cùng hơn 160.000 lượt chia sẻ.
Những bức ảnh chụp lại gương mặt thất thần và dính máu của nạn nhân 69 tuổi sau đó cũng lan rộng khắp mạng xã hội.
Theo bà Bridges, hãng United Airlines cho hay chuyến bay bị bán vé trước quá nhiều và họ đã "chọn ngẫu nhiên" 4 hành khách xuống máy bay để nhân viên hãng có chỗ ngồi.
Đại diện United Airlines ban đầu tìm người tình nguyện xuống máy bay, đề nghị bồi thường 800 USD cho hành khách sẵn sàng nhường chỗ. Một số người đồng ý nhưng người đàn ông trên, tự nhận là bác sĩ, từ chối vì ông cần đi thăm bệnh nhân.
Các nhân viên an ninh sau đó xuất hiện, túm lấy hành khách này và lôi ra khỏi ghế. Hành động khiến những người xung quanh đều choáng váng và bức xúc.
Một nhân chứng kể rằng người đàn ông chưa rõ danh tính đã hét lên rằng ông bị chọn vì là người Trung Quốc, trước khi bị kéo lê một cách thô bạo khỏi máy bay.
Phân biệt đối xử
Vụ việc đang là chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc những ngày qua, thu hút hơn 100 triệu lượt xem, theo CNN.
Trung Quốc là thị trường hàng không lớn thứ hai thế giới và là thị trường trọng tâm của United Airlines. Hãng này tuyên bố đang cung cấp "nhiều chuyến bay thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đến nhiều thành phố Trung Quốc, hơn bất kỳ hãng hàng không nào khác".
Sau vụ việc, nhiều người đã đồng loạt kêu gọi tẩy chay United Airlines, cáo buộc hãng này phân biệt đối xử vì hành khách trên gốc Trung Quốc.
"Đó rõ ràng sự phân biệt đối xử", một bài viết được chia sẻ rộng rãi viết, trong khi một người tuyên bố "cả đời này sẽ không bao giờ bay với United Airlines nữa".
"Hãy nhìn cách họ đối xử với người đàn ông Trung Quốc tội nghiệp. Ông ấy trông không còn trẻ nữa. Chắc chắn là rất nhục nhã khi bị kéo lê trước mặt mọi người, vừa quẫy đạp vừa la hét như thế", một người khác viết.
Joe Wong, một nghệ sĩ hài người Mỹ gốc Trung Quốc, cũng nói rằng "nhiều người Trung Quốc cảm thấy họ đang là đối tượng bị phân biệt đối xử".
"Họ giữ im lặng vì họ sợ mất thể diện", Joe nói. "Đó là lý do truyền thông chính thống phương Tây và công chúng không nhìn nhận việc phân biệt đối xử với người gốc Á một cách nghiêm túc".
Nam hành khách hoảng sợ sau khi quay lại máy bay
Tuy nhiên, Charlie Hobart, phát ngôn viên của United Airlines, bác bỏ cáo buộc rằng người đàn ông trên được chọn rời khỏi chuyến bay vì gốc gác.
Theo người phát ngôn, sau khi nam hành khách từ chối xuống máy bay, hãng đã tuân theo quy định của Bộ Giao thông Mỹ, điều động lực lượng hành pháp địa phương cưỡng chế người này.
Trong khi đó, Cục Hàng không bang Chicago cho hay vụ việc không phù hợp với quy chuẩn vận hành của cơ quan này và hành động của lực lượng an ninh hàng không rõ ràng không thể chấp nhận.
Trước làn sóng phản đối dữ dội từ Mỹ, Trung Quốc và các nước khác, CEO của United Airlines, ông Oscar Munoz, đã ra thông cáo mô tả vụ việc là "đáng buồn" và xin lỗi "vì phải sắp xếp lại" các hành khách.
Tuy nhiên, ông vẫn bảo vệ hành động của tổ bay và tuyên bố người đàn ông trên "phá rối và hiếu chiến", "thách thức các nhân viên an ninh Hàng không Chicago".
Vào sáng nay, United Airlines vẫn là chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên Twitter ở Mỹ và đứng thứ ba trên toàn thế giới, trong đó người dùng mạng đề xuất khẩu hiệu mới cho hãng hàng không này nên là "Không đủ chỗ ngồi, hãy sẵn sàng bị đánh".
Theo Courier-Journal, nam hành khách sau đó đã được xác định là David Dao, một bác sĩ người Mỹ gốc Việt, không phải gốc Hoa. Ông từng theo học trường y dược ở Việt Nam những năm 1970 trước khi tới Mỹ.
Anh Ngọc