Giao dịch và đào tiền số bị cấm tại Trung Quốc từ năm 2021. Vì thế, Run - hiện là giám đốc tài chính một doanh nghiệp tại Thượng Hải - dùng thẻ ngân hàng được phát hành bởi các nhà băng nhỏ ở nông thôn để mua tiền số trên chợ đen. Anh giao dịch tối đa 50.000 nhân dân tệ (gần 7.000 USD) mỗi lần, để tránh bị giới chức để ý.
"Bitcoin là công cụ trú ẩn, như vàng vậy", Run giải thích. Anh hiện sở hữu lượng tiền số trị giá 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 141.000 USD), tương đương gần nửa danh mục đầu tư. Chứng khoán hiện chiếm 40% danh mục. So với cách đây 3 năm, đầu tư vào tiền số tăng vọt, còn đầu tư vào chứng khoán lại giảm dần.
Cũng như Run, ngày càng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm cách sở hữu Bitcoin và các tiền số khác, vì tin rằng chúng an toàn hơn chứng khoán và bất động sản. Những người này chỉ hoạt động trong vùng xám. Tiền số bị cấm tại Trung Quốc đại lục, và nước này cũng kiểm soát nghiêm ngặt việc chuyển tiền ra nước ngoài, nhưng người dân vẫn có thể giao dịch trên các sàn như OKX hay Binance, hoặc thông qua các kênh phi tập trung.
Kinh tế Trung Quốc đi xuống "đã khiến các khoản đầu tư tại đại lục trở nên rủi ro và kém hấp dẫn", Giám đốc một sàn giao dịch tiền số tại Hong Kong cho biết. Một số nhà đầu tư đã mở tài khoản ở Hong Kong, do thành phố này năm ngoái bắt đầu cho phép giao dịch tiền số. "Gần như ngày nào chúng tôi cũng thấy có nhà đầu tư đại lục tham gia thị trường này", Giám đốc trên tiết lộ.
Thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào khủng hoảng gần 3 năm qua, khiến giá nhà đi xuống. Địa ốc vốn là kênh đầu tư và tiết kiệm truyền thống của các hộ gia đình nước này.
Còn chứng khoán Trung Quốc cũng có khởi đầu năm kém lạc quan. Chỉ số CSI 300 - gồm 300 cổ phiếu lớn niêm yết trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến - hiện bằng nửa so với đầu năm 2021.
Ngược lại, Bitcoin đã tăng giá 50% từ giữa tháng 10/2023. Hiện, mỗi đồng giao dịch quanh 40.100 USD. Tiền số này cũng nổi tiếng có biến động giá lớn.
Khi các nhà đầu tư cá nhân tìm đến tiền số, các tổ chức tín dụng cũng không muốn bị tụt lại. Nhận thấy cơ hội tăng trưởng tại đại lục giảm sút, nhiều doanh nghiệp mở hướng kinh doanh liên quan đến tiền số tại Hong Kong.
"Nếu công ty hoạt động ở đại lục, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đi xuống, nhu cầu IPO yếu đi và các mảng khác co lại, bạn cần tìm động lực tăng trưởng khác để báo cáo với các cổ đông", Giám đốc sàn giao dịch trên cho biết.
Chi nhánh tại Hong Kong của Bank of China, China Asset Management (ChinaAMC) và Harvest Fund Management đều đang nghiên cứu khả năng kinh doanh tại Hong Kong với lĩnh vực tài sản số.
Nền tảng theo dõi dữ liệu tiền số Chainalysis cho biết các hoạt động liên quan đến tiền số tại Trung Quốc đang tăng mạnh. Xếp hạng của nước này trên toàn cầu, về khối lượng giao dịch ngang hàng (P2P), đã tăng lên thứ 13 vào năm ngoái. Năm 2022, thứ hạng của Trung Quốc là 144.
Dù bị cấm, thị trường tiền số tại Trung Quốc vẫn ghi nhận giao dịch trị giá 86,4 tỷ USD giai đoạn tháng 7/2022 - 6/2023, cao hơn nhiều so với Hong Kong, theo Chainalysis. Số giao dịch lớn của nhà đầu tư cá nhân (10.000 USD đến 1 triệu USD) chiếm hơn 6%, gần gấp đôi toàn cầu.
Phần lớn hoạt động tiền số tại Trung Quốc "được thực hiện qua các kênh phi tập trung, không chính thức, hoặc trao đổi ngang hàng (P2P)", Chainalysis cho biết trong báo cáo.
Tại Hong Kong, nhiều cửa hàng được mở ra để làm nơi giao dịch tiền số ở các tuyến phố mua sắm đông đúc. Các cửa hàng này ít chịu kiểm soát của nhà chức trách. Ví dụ tại Crypto HK, một cửa hàng tiền số ở quận Kim Chung, khách hàng có thể mua tiền số với mức tối thiểu 500 đôla Hong Kong (64 USD).
Charlie Wong - một nhà phân tích cổ phiếu 35 tuổi - cũng mua Bitcoin qua Hashkey Exchange. Đây là sàn giao dịch được Hong Kong cấp phép. "Rất khó tìm cơ hội trong các lĩnh vực truyền thống. Chứng khoán Trung Quốc và các tài sản khác gần đây đang đi xuống. Nền kinh tế đang trải qua quá trình chuyển dịch quan trọng", anh giải thích.
Wong tin rằng chính phủ Trung Quốc hiểu được Bitcoin sẽ tạo ra sự đột phá lớn đến mức nào. Họ cũng nhìn ra tiềm năng của tiền số này, nên mới chấp thuận việc giao dịch Bitcoin ở Hong Kong. Việc này sẽ giúp Trung Quốc vẫn có vị trí trong lĩnh vực tiền số đang bùng nổ ở nhiều trung tâm tài chính, như Singapore hay New York.
Chainalysis cũng cho rằng các diễn biến gần đây có thể chỉ ra "giới chức Trung Quốc đang dần chấp nhận tiền số, và Hong Kong là nơi thử nghiệm cho các nỗ lực đó".
Hà Thu (theo Reuters)