![]() |
Liệu Columbus có còn tồn tại trong lịch sử như là người đầu tiên đặt chân lên châu Mỹ? |
Ngày 15/3, giả thuyết này sẽ được sử gia người Anh Gavin Menzies trình bày trước 200 nhà ngoại giao, các nhà sử học và viện sĩ trên khắp thế giới.
Đã 14 năm nay Menzies, một cựu sĩ quan tàu ngầm, mê mải vẽ bản đồ lộ trình của một đoàn thuyền thám hiểm Trung Quốc, do đô đốc thái giám Zheng He tiến hành, từ năm 1421 đến năm 1423. Và đây là kết luận của ông: Không phải Columbus, Cook, Magellan hay Gama (những người đi vào lịch sử với các hành trình thiên hùng ca tới Australia, Nam Mỹ và Ấn Độ), mà chính Zheng He mới là người đầu tiên tìm ra Tân Thế Giới và các vùng đất khác.
Ban đầu, ý định của Menzies là viết một cuốn sách về ý nghĩa của năm 1421. Khi tìm kiếm tài liệu ở Venice, ông được xem một bình đồ địa cầu vẽ năm 1459, trong đó có cả Nam Phi và mũi Hảo Vọng (Cape Hope). Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là lịch sử lại ghi rằng Hảo Vọng vẫn vô danh trên các tuyến đường hàng hải cho đến khi được Vasco da Gama khám phá vào năm 1497.
Trên bình đồ địa cầu này, ở vị trí của Phoenicia trung cổ (khoảng bờ biển phía đông Địa Trung Hải ngày nay) có chú thích về một hành trình vòng qua Mũi Hảo Vọng tới quần đảo Mũi Verde (phía tây Senegal) vào năm 1420, và hình họa một con thuyền Trung Quốc.
Menzies cảm thấy có điều gì đó rất lạ. Ông đã sử dụng các bản đồ và biểu đồ thiên văn Trung Quốc có trước các cuộc thám hiểm của Cook, Magellan, da Gama và Columbus, tái lập lại “thiên hành trình lịch sử của Zheng He”.
Zheng He "đánh bại" các nhà thám hiểm lừng danh
Vào đầu những năm 1420 (thời Minh), đô đốc Zheng He đã dẫn đầu một đoàn thuyền lớn, lên đường vòng quanh thế giới để tìm kiếm thị trường cho Trung Quốc. Trên mỗi con thuyền dài tới 300 mét với 9 cánh buồm này, ngoài 500 thủy thủ, còn chất đầy châu báu, tơ lụa và đồ sứ.
Khi Zheng He trở về vào tháng 10/1423, Trung Quốc đang trong cơn chao đảo về kinh tế và chính trị. Đoàn tàu mang theo châu báu giờ đây bị coi là phù phiếm và nằm bẹp trong các xưởng đóng tàu. Các đô đốc bị sa thải và hầu hết những ghi chép về hành trình của Zheng He bị xóa sổ. Nhưng may thay, vẫn còn sót lại vài tấm bản đồ và biểu đồ thiên văn.
Venice Nicolo da Conti, một thương gia người Italy, đã có mặt trên một trong các con tàu đó. Và Menzies tin rằng chính ông là người đưa các tấm bản đồ bị bỏ quên sau cuộc hành trình này tới Venice (Italy). Trong bản thảo viết năm 1434, Conti khẳng định đã dong buồm từ Trung Quốc tới một vùng đất lớn ở phía Nam, và có thể đó chính là đại lục Australia ngày nay. Thời điểm này diễn ra trước chuyến đi của thuyền trưởng James Cook (năm 1770) là 337 năm. Menzies cho rằng, trong hành trình của Conti đi qua Venice vào năm 1428, con trai cả của vua Bồ Đào Nha đã thu hồi các tấm bản đồ này và nhập chúng vào bản đồ thế giới.
![]() |
Eo biển Magellan phải chăng sẽ được mang tên người khác? |
Ngoài các bản thảo của Conti, Menzies còn có các bản đồ khác do các sĩ quan trên tàu của đô đốc Zheng He viết ra, trong đó có bản đồ châu Mỹ, Mũi Hảo Vọng và Eo biển Magellan, nơi thông lưu giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Menzies cho hay, Zheng He, người thực hiện hành trình vòng quanh thế giới đầu tiên vào đầu những năm 1420, đã nhanh chân hơn nhà hàng hải người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan hẳn một thế kỷ.
“Nhật ký và các giấy tờ của Christopher Columbus, James Cook và Ferdinand Magellan cho thấy họ đã sử dụng bản đồ. Họ biết rõ nơi cần đến. Vậy ai là người vẽ ra các bản đồ đó?", Menzies đặt câu hỏi. "Đại dương rộng hàng nghìn dặm. Cần một đoàn thuyền lớn mới lập được bản đồ về chúng. Nếu bạn nói đó không phải là người Trung Quốc, với những đoàn thuyền lớn nhất thế giới thời ấy, thì là ai?".
B.H. (theo Cosmi, Telegraph)