Vận động viên Mỹ Nathan Chen giành huy chương vàng trượt băng nghệ thuật đơn nam ở Olympic Bắc Kinh ngày 10/2. Trong khi đó, Yuzuru Hanyu, vận động viên Nhật Bản từng hai lần vô địch Olympic, thực hiện hỏng cú nhảy 4A (xoay 4,5 vòng) và đứng thứ tư chung cuộc. Tuy nhiên, mạng xã hội Trung Quốc bùng lên phản ứng phân cực với hai người.

Nathan Chen thi đấu tại Olympic Bắc Kinh hôm 10/2. Ảnh: TNS
Hanyu, người rất nổi tiếng ở Trung Quốc, được ủng hộ và ngưỡng mộ trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Tương phản, Chen, nhà vô địch Olympic mới, bị chỉ trích dữ dội.
"Ngoài cảm giác đáng tiếc, còn có cảm giác ngưỡng mộ nữa! Yuzuru thực sự đam mê trượt băng nghệ thuật. Không thể tránh khỏi sai lầm nhưng niềm tin mạnh mẽ thể hiện khi đối mặt sai lầm, cùng sự gan dạ và dũng cảm, đã chứng tỏ anh ấy là một vận động viên chuyên nghiệp xuất sắc, xứng đáng để chúng ta yêu mến và ngưỡng mộ", một người viết.
"Màn biểu diễn của Hanyu thể hiện cả vẻ đẹp và sức mạnh, là vũ điệu ballet trên băng. Còn màn trình diễn của Chen ư? Không khác gì con vượn", một người khác so sánh.
Hai tiếng sau màn trình diễn của "hoàng tử băng" người Nhật, các từ khóa liên quan tới Hanyu thịnh hành trên Weibo, chiếm vị trí hàng đầu và hai vị trí nữa trong 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất.
Từ khóa thịnh hành đầu liên quan tới nỗ lực thực hiện cú nhảy 4A của Hanyu, thu hút gần 70.000 bài đăng và bình luận trong vòng một giờ. Từ khóa này cũng thu hút hơn 300 triệu lượt xem trong hai giờ sau cuộc thi.
Chen cũng chiếm một vị trí trong danh sách từ khóa tìm kiếm nhiều nhất, với hashtag #Vận động viên người Mỹ Chen Wei đoạt huy chương vàng chiếm vị trí thứ tư. Chen Wei (Trần Nguy) là tên tiếng Trung của Nathan Chen, người có bố mẹ nhập cư vào Mỹ.
Tuy nhiên, những bình luận ở hashtag này khá tiêu cực. "Anh ta biểu diễn cái gì thế? Điệu nhảy đường phố hay điệu nhảy robot? Đúng là trò hề, một người bình luận.
Một số người chỉ trích Chen "làm nhục Trung Quốc", khi bố mẹ đều là người Trung Quốc đến Mỹ học nghiên cứu sau đại học vào những năm 1980.
"Tổ quốc nuôi nấng cha mẹ cậu, nhưng cuối cùng họ chọn ở lại Mỹ. Mẹ của cậu ta là người Bắc Kinh, gia đình họ là người Trung Quốc đúng nghĩa. Dù cậu ta có là nhà vô địch Olympic thì chúng ta cũng không thể chấp nhận sự sỉ nhục này với Trung Quốc", một người viết.

Cú nhảy xoay người của Yuzuru Hanyu tại Olympic Bắc Kinh hôm 10/2. Ảnh: AP
Trong khi chỉ trích Chen về nguồn gốc Trung Quốc và quốc tịch Mỹ, người dùng mạng lại cho rằng quốc tịch Nhật Bản của Hanyu không phải vấn đề cần chú ý.
"Tôi chưa bao giờ hy vọng một người Nhật Bản lại giành chức vô địch nhiều đến thế", một người viết dưới bài đăng liên quan tới Chen.
Các bình luận đa phần tập trung vào màn biểu diễn và tinh thần thể thao của Hanyu. Nhiều người phân biệt lòng yêu nước với tình yêu Hanyu.
"Việc chúng tôi chú ý tới anh ấy không đồng nghĩa với chúng tôi không yêu nước. Chúng tôi mong chờ màn biểu diễn của anh ấy với tư cách cá nhân, chứ không phải với tư cách đất nước mà người đó đại diện", một người hâm mộ bày tỏ.
"Thích Yuzuru Hanyu nghĩa là tôi không yêu nước ư? Nghệ thuật không có biên giới. Tôi thích anh ấy với tư cách là một con người, vì bản thân anh ấy, vì đam mê trượt băng nghệ thuật của anh ấy", một người khác bình luận.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)