Nhiều người Trung Quốc đang có chung cảnh ngộ: lên kế hoạch về quê ăn Tết và đặt vé máy bay xong xuôi thì chính phủ bất ngờ ra quyết định công nhân viên chức phải làm việc đến hết ngày 30 âm lịch.
Quy định về lịch nghỉ tết 2014 được văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra hồi giữa tháng 12 khiến không ít người dân bị sốc, bởi kỳ nghỉ Tết Giáp Ngọ sẽ bắt đầu từ ngày 1/1 âm lịch, thay vì từ ngày 30/12. Quy định này khiến nhiều người không thể cúng ông bà tổ tiên và quây quần với gia đình vào giao thừa, một trong những thời khắc quan trọng nhất khi đón năm mới.
Apple Dai, một nhân viên văn phòng 29 tuổi ở Bắc Kinh nói: "Mọi người đều muốn ở bên gia đình trong ngày này, đó là một nét văn hóa. Thế nhưng, trong sự phát triển của Trung Quốc lúc này, dường như chúng ta đang đánh mất điều đó".
"Chính phủ không ngừng đề cao văn hóa truyền thống Trung Quốc và kêu gọi mọi người gìn giữ. Nhưng hành động của họ lại trái với lời nói", một người dùng mạng xã hội Sina Weibo đồng quan điểm. "Đêm giao thừa có ý nghĩa rất lớn với người Trung Quốc. Liệu có phải các nhà hoạch định chính sách không có nhà để quay về?".
Công chức Trung Quốc được nghỉ tổng cộng 11 ngày lễ năm 2014, bao gồm nghỉ Tết và nghỉ lễ Quốc khánh. Kỳ nghỉ Tết sẽ bắt đầu từ ngày 31/1 cho đến 6/2. Họ phải đi làm bù vào các ngày cuối tuần trước và sau đó.
Các phương tiện truyền thông quốc gia cho rằng lịch nghỉ này đã "phản ánh quan điểm của dân chúng". Shi Peihua, một giáo sư ở Đại học Giao thông Bắc Kinh, cho rằng sự thay đổi này giúp loại bỏ "những ngày làm việc liên tiếp, dai dẳng ở những tuần trước hoặc sau kỳ nghỉ".
Dong Keyong, một giáo sư Đại học Nhân dân, cũng cho rằng kế hoạch này "tránh làm gián đoạn công việc và nếp sinh hoạt quen thuộc của người dân.
Tuy nhiên, hơn 80% trong gần 180.000 người tham gia một cuộc khảo sát trên mạng xã hội Sina Weibo, cho biết họ không hài lòng với sự thay đổi năm nay. Nhiều người đề nghị kiểm tra các văn phòng chính phủ vào ngày 30 Tết để xem liệu các quan chức có làm việc chăm chỉ hay không.
"Nghỉ Tết mà không có ngày 30 cũng giống như sex mà không có màn dạo đầu", một người viết.
"Mẹ, nếu con không thể về nhà kịp giao thừa, xin đừng đưa con ra tòa", một người khác hài hước, ngụ ý đến đạo luật vừa được phê duyệt năm ngoái, cho phép cha mẹ kiện con cái nếu họ bất hiếu.
Một số người chỉ ra rằng biến ngày cuối cùng của năm thành một ngày làm việc sẽ là gánh nặng với hàng triệu lao động nhập cư. Nhiều người trong số họ làm việc tại các nhà máy cách quê hương hàng trăm cây số.
"Văn phòng lập kế hoạch nghỉ lễ có cân nhắc đến những công nhân nhập cư, những người đã làm việc vất vả suốt cả năm và chỉ mong đợi một bữa ăn tối đoàn tụ vào đêm giao thừa?", một người nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc 1,3 tỷ dân Trung Quốc phải cùng tuân theo một lịch nghỉ Tết như trên cũng có khả năng khiến hệ thống giao thông nước này trở nên quá tải khi hàng trăm triệu người cùng đổ về quê một lúc. Giá vé máy bay tăng, những dòng người xếp hàng trước các quầy bán vé tàu càng chật kín. Tết năm ngoái, người Trung Quốc đã sử dụng hơn 3,4 tỷ lượt phương tiện công cộng.
Cai Jiming, giám đốc trung tâm Kinh tế Chính trị, đại học Thanh Hoa, người đứng đầu một nhóm nghiên cứu cải cách hệ thống lễ lạt, nhận định kế hoạch mới sẽ gây bất tiện nếu người lao động phải làm việc muộn ngay trước năm mới. Ông cho biết nhóm của mình đã đề xuất chính phủ kéo dài ngày nghỉ Tết chính thức, nhưng không được chú ý.
Theo WSJ, một số người còn nghi ngờ lịch nghỉ lễ không được lòng dân này có thể là hậu quả từ sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Trung Quốc trong năm qua và dự kiến còn tiếp tục trong năm 2014.
"Vì GDP năm nay không đạt 8% nên chính phủ phạt cả nước bằng cách không cho nghỉ ngày 30", một người nói.
Dai thì tuyên bố rằng, bằng mọi giá cô phải nghỉ làm vào ngày 30 Tết và về quê ở tỉnh An Huy để kịp bữa tối giao thừa. Cô nghĩ rằng công ty của mình sẽ không "nhẫn tâm" bắt nhân viên làm việc vào hôm đó.
"Bạn thử nói với sếp là bạn muốn về nhà sớm hoặc tương tự, biết đâu họ vẫn sẽ để bạn đi đấy", cô nói.
Anh Ngọc