Sau chuyến đi tới miền nam Trung Quốc, Lahiffe, 35 tuổi, và gia đình tự cách ly hai tuần theo yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Anh cho biết không hề được báo trước về việc lắp camera.
Theo CNN, dù không có tuyên bố chính thức rằng camera phải được gắn bên ngoài những căn nhà có người cách ly, tình trạng này đã diễn ra ở một số thành phố Trung Quốc ít nhất từ tháng 2.
Một quan chức ở Nam Kinh, Giang Tô, cho biết họ sử dụng camera để theo dõi sự ra vào căn hộ cách ly 24/24 giờ. Thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, thông báo dùng camera kết hợp AI để nhận diện và quản lý việc cách ly. Hồi tháng 2, hãng viễn thông China Unicom cũng chia sẻ trên Weibo rằng họ hỗ trợ chính quyền Hàng Châu lắp 238 camera cho mục đích tương tự. Nhiều người dùng mạng xã hội này cũng đăng ảnh chụp camera gắn bên ngoài nhà họ ở Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Nam Kinh, Thường Châu và một số thành phố khác.
Trung Quốc hiện chưa có luật về camera giám sát, nhưng thiết bị này đã dần trở thành một phần của cuộc sống. Chúng xuất hiện khắp nơi và theo dõi mọi người qua đường, bước vào nhà hàng, trong khu mua sắm, lên xe buýt... Đại dịch khiến camera tiến gần hơn tới cuộc sống cá nhân. Chúng không còn nằm ở khu vực công cộng trong thành phố mà xuất hiện trước cửa nhà, thậm chí một vài trường hợp còn nằm bên trong căn hộ.
William Zhou trở về nhà ở Thường Châu cuối tháng 2. Hôm sau, một công nhân và một cảnh sát đến lắp camera trên tủ tường trong nhà anh, ống kính hướng ra cửa ra vào. Khi anh hỏi camera sẽ quan sát những gì, người công nhân cho anh xem hình ảnh trên smartphone. "Tôi đứng trong phòng khách và camera ghi hình tôi một cách rõ ràng", Zhou nói.
Anh thấy khó hiểu và hỏi sao không lắp bên ngoài, cảnh sát giải thích camera có thể bị phá hoại. Anh gọi điện tới đường dây nóng để phàn nàn. Một ngày sau, hai quan chức địa phương tới nhà, đề nghị anh thông cảm và hợp tác với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của chính quyền. Họ giải thích camera chỉ chụp ảnh tĩnh mỗi khi cửa mở chứ không quay video hay ghi âm.
"Tôi vẫn hạn chế gọi điện vì sợ bị ghi lại cuộc trò chuyện. Tôi không thể ngừng lo lắng kể cả khi đi ngủ và đóng cửa phòng ngủ". Zhou nói và cho biết hai người khác cùng khu cũng bị lắp camera trong nhà.
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh nơi Zhou sống xác nhận với CNN việc dùng camera để quản lý cách ly tại nhà, nhưng không chia sẻ chi tiết hơn.
Một số người dùng Weibo ủng hộ vì cho rằng động thái này "giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả", thậm chí kêu gọi chính quyền triển khai nhanh để ngăn ngừa virus lây lan. Tian Zengjun, một luật sư ở Bắc Kinh nói việc lắp camera ngoài nhà ông không cần thiết, nhưng ông "vui vẻ tuân thủ". Một số khác lại băn khoăn liệu biện pháp này có vi phạm quyền riêng tư.
Jason Lau, chuyên gia về quyền riêng tư ở Hong Kong, cho biết người dân Trung Quốc đã quen với sự hiện diện của camera từ trước khi đại dịch xảy ra. "Ở Trung Quốc, nhiều người mặc định chính phủ đã tiếp cận một số thông tin cá nhân của họ. Nếu họ nghĩ biện pháp này giúp họ và cộng đồng an toàn, họ có thể không lo lắng nhiều về việc đó", Lau nói.
Theo đài CCTV từ năm 2017, hơn 20 triệu camera giám sát được lắp đặt ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các nguồn khác cho biết con số này còn cao hơn. Hãng nghiên cứu IHS Markit Technology ước tính có khoảng 349 triệu camera giám sát tại nước này trong năm 2018 và dự kiến tăng lên 567 triệu năm 2021, trong khi ở Mỹ tương ứng là 70 triệu và 85 triệu camera.
Có 8 thành phố của Trung Quốc nằm trong danh sách 10 thành phố "bị giám sát" nhiều nhất thế giới theo bảng xếp hạng của Comparitech, dựa vào số camera trung bình trên 1.000 dân.
Sau thời gian cách ly, camera lắp ở nhà dân sẽ được gỡ bỏ. Người công nhân nói Zhou có thể giữ lại camera miễn phí, nhưng anh thấy việc sống trong sự theo dõi suốt hai tuần là quá đủ, nên đã dùng búa đập vỡ thiết bị.
"Camera ở các khu vực công cộng có thể giúp kiểm soát và phát hiện hành vi phạm pháp, nhưng chúng không nên có mặt ở những chỗ riêng tư", anh nói.
Minh Minh (theo CNN)