Cùng lúc đó, bà nhìn thấy người hàng xóm dẫn theo ba đứa con nhỏ rời khỏi ngôi làng Kiều Đầu ở Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, miền nam Trung Quốc. "Đừng đi nữa! Cô sẽ bị nước cuốn trôi đó", Huang vội vã hét lớn.
Bà đưa họ vào nhà mình, nơi chỉ trong vòng nửa giờ, nước đã dâng lên tới tầng hai. Họ vội chạy lên tầng ba để lánh nạn nhưng Huang không còn thời gian để thu gom đồ đạc. Ngay cả điện thoại di động của bà cũng bị nước lũ cuốn trôi, Huang kể.
Người hàng xóm bật khóc nức nở. "Thật khủng khiếp", cô nói khi Huang bảo cô ở lại và đừng lo lắng về việc họ sẽ ăn gì hay sống thế nào giữa biển nước mênh mông.
Làng Kiều Đầu của họ là một trong nhiều nơi hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng trong tuần này, với 20.000 cư dân bị mắc kẹt trong tình trạng mất điện và không có nước sạch. Huang đã may mắn sống sót sau ba ngày chỉ ăn bánh quy và uống nước lã, trước khi được con trai Huang Shuangxi và lính cứu hỏa giải cứu.
Mưa lớn và lũ lụt đã tiếp diễn suốt nhiều tuần qua ở miền trung và miền nam Trung Quốc, ảnh hưởng gần 34 triệu người ở 27 tỉnh, theo thống kê chính thức.
Làng của Huang là một trong nhiều khu vực gần hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang ngày 11/7 đã phát cảnh báo lũ cao nhất ở hồ này.
Giới chức cảnh báo mực nước hồ có thể đạt mức kỷ lục 22,59 m như hồi tháng 7/1998. Đợt lũ lụt năm đó, kéo dài từ giữa tháng 6 tới đầu tháng 9, được xem là tồi tệ nhất ở Trung Quốc trong hơn 40 năm, khiến hơn 4.000 người chết và hàng chục triệu người bị ảnh hưởng, từ tỉnh Quảng Đông ở phía nam tới Hắc Long Giang ở phía đông bắc.
Tối 10/7, mực nước hồ đo được đã xấp xỉ 22 m, theo Chen Guiya, phó giám đốc Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang, cho biết. "Mực nước hồ nhiều khả năng sẽ vượt mức năm 1998", Chen nói và thêm rằng công tác chuẩn bị ứng phó với lũ đang được tiến hành.
Sáng 11/7, nước lũ đã nhấn chìm các con đường ở Kiều Đầu. Ngôi làng giờ trở thành hồ nước và nhiều ngôi nhà giờ như những ốc đảo giữa biển nước mênh mông. Nhiều trường học và phòng khám ở ngôi làng giờ ngập quá nửa. 7 ngôi nhà đã bị dòng nước cuốn trôi, nhưng may mắn không có người chết.
Ngồi trên xuồng cứu hộ Shangrao, đội phó đội cứu hộ Sun Chao cho biết việc giải cứu người dân gặp rất nhiều khó khăn. "Chúng tôi sợ rằng động cơ xuống có thể cuốn phải rác như dây thừng hoặc cỏ và bị chết máy", anh nói.
Họ cũng phải dẫn theo một cư dân nắm rõ đường đi lối lại ở làng, để tránh nguy cơ xuồng lao vào tường, dây điện hay các vật nguy hiểm dưới mặt nước. Đôi khi họ cũng phải chú ý với các chướng ngại vật trên đầu, khi xuồng đi qua các tán cây ngập nước.
Khi tới nhà dân, lính cứu hỏa sẽ dùng dây thừng cố định xuồng vào hàng rào trước khi Sun trèo lên ban công để giải cứu người dân. Đôi khi anh phải cõng họ trở lại xuồng cứu hộ an toàn.
Huang Meifeng, người dân làng Kiều Đầu, đã bị nước lũ cuốn mất ngôi nhà ba tầng vừa xây xong năm ngoái. Cô không biết mình đã mất bao nhiêu tài sản. "Còn trang trại của gia đình tôi nữa. Chúng tôi chỉ vừa bón phân cho hoa màu, nhưng năm nay có lẽ chúng tôi sẽ chẳng thu hoạch được gì", cô nói.
Cô nhớ trận lụt năm 1998, khi hầu hết nhà cửa ở Kiều Đầu ngập trong nước suốt ba tháng. Huang nói rằng gia đình cô đã chịu tổn thất nặng nề sau đó, nhưng may mắn đã khôi phục được kinh tế và xây được nhà mới. Nhưng lũ lụt lại kéo đến một lần nữa và phá hủy tất cả. "Đây là lần thứ hai trong cuộc đời tôi", cô nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)