Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk, nông dân trên địa bàn hiện đã tự phát trồng trên 110 ha cây mắc-ca, chủ yếu tập trung tại các huyện M’Drắc (trồng 41 ha), huyện Lắc (gần 40 ha) và huyện Krông Năng (trồng 30 ha).
Cây giống mắc-ca bán trên thị trường tăng mạnh từ 25.000-35.000 đồng một cây lên tới 160.000-180.000 đồng. Trong đó, có nhiều giống mắc ca trôi nổi, chưa được cơ quan chức năng công nhận, có loại chưa rõ nguồn gốc hoặc do người dân tự ươm.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo bà con không được sử dụng hạt, cây mắc-ca ghép không rõ nguồn gốc, xuất xứ để trồng xen canh. Các đơn vị chức năng khuyến cáo người dân chỉ trồng cây mắc-ca thực nghiệm với diện tích hẹp, hoặc trồng xen trong các vườn cà phê, hồ tiêu, chè bằng các giống đã được Bộ NN&PTNT công nhận.
Do là cây trồng dài ngày, sau 7 năm mới cho thu hoạch, suất đầu tư lớn, khả năng rủi ro trong sản xuất cũng cao. Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố trong địa bàn cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường cây giống mắc-ca để hạn chế thiệt hại cho người nông dân.
Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cũng khuyến cáo, cây mắc-ca trồng trên địa bàn sinh trưởng tốt, ra hoa nhiều nhưng đậu quả không đạt hoặc không ổn định (loại trên dưới 10kg hạt một cây, có loại chỉ đạt chưa tới 1 kg hạt). Bên cạnh đó, trên địa bàn chưa có nhà máy chế biến và thị trường đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh. Do vậy, người trông không nên ồ ạt đầu tư mắc-ca, cần phải có thêm thời gian và nhiều nghiên cứu về đất đai, khí hậu, kỹ thuật… để xem có phù hợp với mắc-ca hay không.
Theo Tiền Phong