Ông Lưu Văn Trạng (Hai Trạng) ở xã Hoà Tân, huyện Châu Thành, Đồng Tháp nói vụ vừa rồi trồng hơn 2ha khoai lang, trong đó có 1,1ha khoai lang tím Nhật. Tới mùa vỡ khoai lang tím Nhật ông trúng đậm với khoảng 550 tạ khoai (tạ khoai = 60kg), nhưng do bị sâu đục nên chỉ bán được 25.000 đồng/tạ, thay vì 350.000 đồng/tạ. Gần 1ha khoai bí đường còn lại, lái đã đặt cọc trước 5 triệu đồng nhưng khi kiểm tra thấy khoai bị sâu nên bỏ luôn tiền cọc, từ chối không mua. Hai Trạng than vãn: “Tính ra vụ khoai này tôi lỗ hơn 100 triệu đồng”. Gần đó, ông Hồ Quốc Khanh trồng 1,1 ha khoai lang cũng lỗ 120 triệu đồng do sâu đục củ gây ra.
Sau chuyến khảo sát về tình hình sản xuất và mức độ gây hại của loài sâu trên nhiều tháng qua trên cây khoai lang, mới đây thạc sĩ Lê Quốc Cường, phó giám đốc trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (thuộc bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nhận định: loại sâu đục phá củ khoai lang thực chất không lạ mà đã xuất hiện nhiều năm qua, tuy nhiên do phun xịt thuốc không đúng cách nên nay bùng phát trở lại.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Đời, nông dân trồng khoai ở xã Thành Trung, huyện Bình Tân, Vĩnh Long lại khẳng định: “Tôi vẫn chăm sóc, ngừa sâu khoai lang như nhiều năm qua và theo đúng hướng dẫn sử dụng thuốc của đại lý kinh doanh, phân phối nhưng vẫn bị sâu tấn công gây thiệt hại đến 60% sản lượng khoai. Như vậy thì sao gọi là lạm dụng?”
Với kinh nghiệm hơn mười năm trồng khoai lang, ông Hai Trạng cho hay: “Năm nay tôi xài nhiều loại thuốc mạnh được người bán giới thiệu là thuốc hợp tác sản xuất, nhập khẩu… từ Trung Quốc nhưng khoai vẫn bị sâu. Mấy năm trước tôi xài những loại thuốc quen thuộc cũ có bị sao đâu (?)”. Ông Trạng còn cho biết, thuốc diệt chuột của Trung Quốc trước đây có độc lực rất mạnh, chuột ăn thuốc là chết la liệt, nhưng hễ con nào không chết thì mỗi lứa đẻ lại đông hơn bình thường. Chính vì vậy, Hai Trạng đặt nghi vấn: “Thứ sâu hại mới trên khoai lang có thể là loại sâu sống sót sau khi nông dân sử dụng những loại thuốc mới cực độc”.
Hiện nay, các cơ quan nghiên cứu đang thu mẫu, nghiên cứu để định danh loài côn trùng này.
(Sài Gòn tiếp thị)