Như ánh mắt trong biển xanh, ngọn hải đăng luôn rực sáng trong đêm, báo hiệu cho những chiếc tàu, cho đất liền nơi ấy là quê hương thứ hai của những người con mang trong lòng tình yêu biển cả.
Từng đợt gió biển táp vào mặt anh Nguyễn Văn Tấn, Trạm trưởng ngọn hải đăng An Bang làm những sợi tóc cứng trên đầu anh bay lật phật. Nheo mắt dõi về tầm xa, anh bảo đêm nay có bão biển.
Anh Tấn không thuộc biên chế của hải quân. Nhưng nhiều năm nay, anh vẫn sinh hoạt cùng lính thuỷ. Nhiệm vụ của anh là duy trì ánh sáng của ngọn hải đăng, giúp ngư dân, tàu thuyền về nơi an toàn khi có bão biển.
Khi lớn lên, anh theo học ngành hàng hải, và đúng như mong ước anh trở thành người lính canh “mắt của biển”. Đảo Hòn Dáu, Bạch Long Vĩ nơi có ngọn hải đăng báo bão cho tàu thuyền xuôi ngược là nơi anh rèn luyện tuổi thanh xuân.
Năm 1997, từ hòn đảo gần bờ ấy, anh đã chia tay bạn bè, đồng nghiệp để nhận nhiệm vụ mới ở ngọn hải đăng Kê Gà ở Bình Thuận và năm 2003, anh đến với Trường Sa.
An Bang là một trong những cụm đảo xuất hiện nhiều sóng gió nhất trong năm. Gió giật mạnh, khí hậu biển khắc nghiệt đã làm cho những ngọn đèn và người canh giữ nơi đây trở nên kiên cường hơn. Cũng như những người lính, anh chỉ được về thăm gia đình mỗi năm một lần như những chiến sĩ hải quân.
Trạm có 5 người do anh Tấn làm trạm trưởng. Nhiệm vụ của những người canh giữ đèn biển không chỉ đơn giản là việc phát sáng hải đăng mà còn đảm bảo an ninh cho vùng biển đảo. Hằng năm, không ít tàu gặp nạn đã được trạm hải đăng và các chiến sĩ đảo cứu.
Đã có nhiều lần đi cứu nạn mà cuối cùng người gặp nguy hiểm lại chính là anh. Giữa biển khơi, những con sóng dữ giật tung cả đá, cả thuyền, san hô...
Bao nhiêu can qua, công việc hằng ngày của anh Tấn vẫn vậy. Hằng ngày, từ sáng đến đêm mọi người kiểm tra thiết bị đo đạc khí hậu trên đảo. Sự lặp lại của từng ấy công việc trên đảo, nhiều lúc buồn và nhàm chán. Những lúc ấy, tấm ảnh của gia đình, của vợ con là niềm an ủi động viên cho anh.
Trên tầng gác cao nhất của ngọn hải đăng An Bang, anh Tấn dõi mắt nhìn những con tàu xa xa. Và một hồi còn tút dài như lời chào những người canh giữ biển. Anh đưa cánh tay vẫy tạm biệt.
(Theo An Ninh Thủ Đô)