30/4/1975 ghi dấu sự kiện trọng đại bậc nhất trong lịch sử cách mạng đương đại Việt Nam. Trưa hôm đó, cùng với GS Huỳnh Văn Tòng, Nguyễn Hữu Thái - cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn - nằm trong số ít người có mặt tại Dinh Độc Lập. Do tình thế khẩn cấp, ông Thái trở thành "phát thanh viên bất đắc dĩ", giới thiệu lời kêu gọi đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh (Nghe tại đây).
Gần 40 năm sau ngày trọng đại ấy, ông Nguyễn Hữu Thái không ngừng trăn trở và quyết định hoàn thành cuốn sách “Những điều chưa biết về ngày Sài Gòn sụp đổ”. Ông quan niệm đây không phải là một cuốn sách sử hay một bản tổng kết về chiến tranh mà “đơn giản chỉ muốn kể lại câu chuyện về 30/4/1975 như một người trong cuộc, người ghi chép các sự kiện lẫn một nhà nghiên cứu”.
![Sg13-jpg-1367032017_500x0.jpg](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2013/04/27/Sg13-jpg-1367032017.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=l5zGK-4RuxKNI9tsliS6Eg)
Cơ duyên đến với Nguyễn Hữu Thái khi ông được cấp một học bổng nghiên cứu Rockefeller 2004-05 của Trung tâm William Joiner (chuyên đề “nghiên cứu chiến tranh và hậu quả chiến tranh” của cựu binh Mỹ tại Đại học Massachusetts-Boston). Suất học bổng đã giúp ông có cơ hội tiếp xúc và kiểm tra nguồn tư liệu khổng lồ về chiến tranh Việt Nam tại các thư viện hàng đầu của Mỹ. Với nguồn tư liệu dồi dào từ hai phía, cuốn sách của Nguyễn Hữu Thái phần nào giúp độc giả rút ra câu trả lời cho những câu hỏi: Tại sao chính quyền Sài Gòn lại sụp đổ nhanh chóng như vậy? Tại sao chấm dứt một cuộc chiến tranh lớn mà trông giống như ngày đoàn tụ gia đình?...
Ngoài những hồi ức của chính tác giả Nguyễn Hữu Thái về những sự kiện ông đã trực tiếp tham gia, cuốn sách còn bao gồm lời kể của những nhân chứng với nhiều góc độ khác nhau. Sách do Nhà xuất bản Lao động ấn hành vào 30/4.
Ông Nguyễn Hữu Thái là con trai cả trong một gia đình có 10 người con. Được đầu tư ăn học, ông tốt nghiệp ngành kiến trúc tại Sài Gòn. Vào khoảng năm 1963-1964, ông được bầu làm Chủ tịch tổng hội sinh viên Sài Gòn, hăng hái kêu gọi bạn bè xuống đường biểu tình, đòi tự do, dân chủ.
Ngân Hoa