Theo khoản 3 Điều 2 Thông tư39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi các Thông tư 06/2023/TT-NHNN, 12/2024/TT-NHNN...), khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng) là pháp nhân, cá nhân, bao gồm:
a) Pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
b) Cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài.
Điều 3 Thông tư này quy định về quyền tự chủ của tổ chức tín dụng. Theo đó, tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng có quyền từ chối các yêu cầu của khách hàng không đúng với quy định tại Thông tư này và thỏa thuận cho vay.
Về điều kiện vay vốn, Điều 7 Thông tư quy định:
Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
1. Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
2. Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
3. Có phương án sử dụng vốn khả thi. Điều kiện này không bắt buộc đối với khoản cho vay có mức giá trị nhỏ (Không vượt quá 100 triệu đồng).
4. Có khả năng tài chính để trả nợ.
5. Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Như vậy, với các quy định nói trên thì pháp luật không quy định độ tuổi tối đa được vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, khi nhận thấy khách hàng không có phương án sử dụng vốn khả thi hoặc không có khả năng tài chính để trả nợ thì ngân hàng có quyền từ chối cho vay.
Trên phương diện pháp luật dân sự thì giữa bên vay và bên cho vay là bình đẳng; giao dịch các bên được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện. Không bên nào có thể ép buộc bên nào. Do vậy, nếu khách hàng không đáp ứng được các quy định, tiêu chí cho vay thì ngân hàng có quyền từ chối. Khách hàng cũng có quyền lựa chọn ngân hàng có điều kiện vay thuận lợi hơn.
Trên thực tế, việc cho người già vay có thể có một số vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay như người vay không có khả năng trả nợ do ốm đau, bệnh tật, chết trong khi chưa trả hết nợ.
Đối với trường hợp bạn nêu, bạn có thể trao đổi với ngân hàng để bạn là người trực tiếp vay vốn. Cha mẹ bạn sử dụng nhà đất của họ để bảo lãnh cho khoản vay của bạn. Việc bảo lãnh không ảnh hưởng bởi độ tuổi của chủ tài sản nên cha mẹ bạn sẽ không gặp bất kỳ khó khăn gì khi thực hiện giao dịch này.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội