Thói quen rủ bạn lên cầu hóng mát của cô gái 20 tuổi ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy đã có khoảng ba năm nay. Lý do Diễm chọn địa điểm này làm nơi giải trí bởi gần chỗ trọ, đông người qua lại và đặc biệt là không mất tiền chỗ ngồi.
"Nếu rủ bạn bè vào quán cà phê lại tốn 50.000 đồng cho một cốc nước, nói chuyện phải nhỏ tiếng và không thể ngồi lâu", Diễm nói.
Ngoài gặp gỡ bạn bè, tuần đôi lần Diễm cũng ra đây để dùng wifi miễn phí tại các quán kem, cửa hàng tiện lợi dưới chân cầu. Kết nối mạnh giúp cô có thể xem phim, chơi game hoặc mang sách vở ra học. Càng về đêm, đường ít xe cộ đi lại càng khiến nữ sinh tập trung hơn. Diễm nói thường ngồi đến nửa đêm hoặc 5-6h sáng mới về phòng ngủ bù nếu ngày hôm sau không phải đi học.
Trên cầu vượt đi bộ Mai Dịch, Thanh Mai cùng hai người bạn ngồi uống bia.
Theo Mai, ưu điểm khi ngồi trên cầu vượt đi bộ là rộng rãi, không bị các quán nước chèo kéo như khi ra công viên. Đặc biệt được ngồi trên cầu ngắm nhìn đường phố cũng khiến cô giảm căng thẳng sau ngày dài làm việc.
"Giờ đi làm không thể ngồi xuyên đêm nên cuối tuần rảnh rỗi tôi mới rủ bạn bè đi trải nghiệm cảm giác cũ", Mai nói.
Khảo sát của VnExpress bắt đầu từ 22h hàng ngày có khoảng 50 người trẻ tập trung trên cầu vượt Mai Dịch, quận Cầu Giấy để trò chuyện. Họ đa số mua đồ ăn vặt tại cửa hàng tiện lợi hay các quán nước lân cận và lên cầu ngồi trò chuyện. Khu vực trên cầu được ngồi tự do, không bị thu phí. Qua nửa đêm, lượng người trên cầu còn hơn 30 người. Không có điểm trông giữ, nhiều người đỗ xe máy tự do dưới chân cầu.
Ông Tuấn, bảo vệ tại một cửa hàng gần chân cầu vượt đi bộ Mai Dịch cho biết vào các buổi tối, khu vực lối lên xuống và trên cầu tập trung đông người trẻ đến chơi, càng về đêm càng đông. Nhiều nhóm ngồi đến 6-7h sáng hôm sau.
"Cơ quan chức năng đã nhiều lần đi giải tỏa nhưng chẳng ăn thua, họ cứ đi là các bạn ấy lại lên cầu tụ tập. Ngồi hóng mát thì không sao nhưng họ thường xuyên xả rác bừa bãi hay tụ tập đánh bài, ăn nhậu gây mất trật tự", ông Tuấn nói.
Người bảo vệ này cũng cho biết do đông xe máy đến nhưng không có người trông nên từng xảy ra hiện tượng mất xe.
Đại diện UBND phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy cho biết tình trạng nhiều người tập trung trên cầu vượt đi bộ Mai Dịch đã tồn tại một thời gian dài. Cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các đợt ra quân giải tán, tránh các trường hợp tụ tập gây mất trật tự. Đơn vị cũng kết hợp với Ban chấp hành Đoàn của các trường Đại học trên địa bàn để tuyên truyền đến sinh viên, cấm các hành vi tụ tập trên cầu.
"Dù đã có những hành động quyết liệt nhưng chúng tôi không thể chốt trực ở cầu vượt 24/24 nên xảy ra tình trạng 'xe của lực lượng chức năng đi là nhiều người lại lên cầu'. Tuy nhiên người lên cầu tụ tập ở tứ xứ, không phải sinh sống trên địa bàn phường nên cũng khó tuyên truyền, giải quyết dứt điểm", người này nói.
Không chỉ cầu vượt đi bộ Mai Dịch, một số cầu vượt đi bộ gần phố Triều Khúc và Học viện An ninh (quận Thanh Xuân) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Họ đa phần là người trẻ đi theo nhóm từ 3-5 người, mang theo đồ ăn, bất chấp khu vực này đã có biển cấm.
Bà Thủy, chủ quán bán nước gần cầu vượt đi bộ gần Công viên Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cho biết dù quán chuẩn bị sẵn bàn ghế nhưng nhiều người vẫn thích ngồi trên cầu. Do khu vực này không có biển cấm, thoáng mát lại yên tĩnh dễ nói chuyện nên được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Chuyên gia tâm lý Trần Hương Thảo (TP HCM) cho rằng việc nhiều người trẻ thích đến những nơi công cộng, có không gian ngoài trời thoáng mát như cầu vượt đi bộ để gặp gỡ về đêm là điều dễ hiểu.
Được hòa mình vào không gian có cả chiều rộng, chiều sâu và chiều cao sẽ khiến con người có cảm giác được giải phóng. Trong khi việc đến các quán cà phê dần trở nên nhàm chán và gây tốn kém thì việc người trẻ muốn đến những nơi vừa giải trí giá rẻ nhưng vẫn có thể làm việc nhóm, tận hưởng các tiện ích chung có thể là một lựa chọn hữu ích.
"Nhưng mọi người cũng cần lựa chọn những địa điểm giải trí phù hợp, tránh vi phạm quy định của pháp luật", bà Thảo nói.
Quỳnh Nguyễn - Nga Thanh