Bất chấp cuộc tranh luận về tỷ lệ sinh giảm và áp lực hối thúc lập gia đình từ các bậc phụ huynh, người trẻ Trung Quốc vẫn khẳng định không có kế hoạch sinh con đến khi đủ khả năng chi trả.
Thông tin này nằm trong loạt nghiên cứu nhằm tìm hiểu suy nghĩ của giới trẻ Trung Quốc về hôn nhân và con cái, đồng thời làm sáng tỏ thêm các biện pháp nhằm đối phó với tình trạng già hóa và thu hẹp dân số của quốc gia này. Nghiên cứu được thực hiện bởi Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc, Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô.
Những người tham gia khảo sát đa phần là sinh viên đại học (bao gồm cả nam và nữ), nói rằng muốn đạt được thành công trong sự nghiệp và có hôn nhân bền vững trước khi sinh con. Họ thừa nhận không coi hôn nhân là một phần quan trọng của cuộc sống, khác hoàn toàn với suy nghĩ của những thế hệ trước.
Đáng chú ý, khoảng 15% người được hỏi muốn theo đuổi lối sống "DINK" (double income, no kids) - gấp đôi thu nhập, không cần con cái. Họ xác định mục tiêu trước mắt là nâng cao đời sống tinh thần và cải thiện mức sống.
Cảm giác đau đớn khi sinh con và thiếu kỹ năng làm cha mẹ cũng là một trong những lý do khiến những người được phỏng vấn không muốn có con.
Chưa kể, việc nữ giới dần độc lập, tự chủ nhiều hơn trong cuộc sống dẫn đến sự thay đổi tâm lý hôn nhân ở Trung Quốc, nơi mà theo truyền thống, nam giới được kỳ vọng sẽ gánh vác tài chính cho gia đình. Các vấn đề về quan hệ tình dục trước hôn nhân hay ly hôn cũng không còn quá quan trọng.
Trong những năm gần đây, để giải quyết tình trạng giảm kết hôn và giảm tỷ lệ sinh, chính quyền nước này đã đưa ra một loạt kế hoạch bao gồm việc loại bỏ chính sách một con, xây dựng các trung tâm chăm sóc ban ngày cho trẻ em. Một số địa phương còn cung cấp các khoản trợ cấp sinh đẻ, giảm thuế và cung cấp ngày nghỉ phép dài cho bố mẹ.
Tuy nhiên, hơn 40% số người được hỏi cho biết sẽ không sinh con chỉ vì thay đổi chính sách hỗ trợ. Cuộc khảo sát trực tuyến năm 2022 với hơn 20.000 người, chủ yếu là phụ nữ ở thành phố trong độ tuổi 18-25 cho thấy 2/3 thờ ơ với việc sinh con, chỉ 8,26% cho biết suy nghĩ lại sau khi các chính sách này được công bố.
Tờ The Paper dẫn lời Mao Zhuoyan, giáo sư tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô, người tham gia cuộc khảo sát, cho biết kết quả cho thấy tâm lý của sinh viên đại học khi kết hôn khác biệt đáng kể so với những người đã kết hôn.
Mao nói thêm rằng những thay đổi chính sách cần dựa vào nhận thức của thế hệ hiện tại về hôn nhân, sinh con và cần đặc biệt phải chú ý đến nhu cầu của phụ nữ.
Hôm 17/1, chính phủ Trung Quốc cho biết riêng trong năm 2022, tỷ lệ sinh của nước này là 6,77 ca trên 1.000 người, giảm 0,75 ca so với năm 2021. Trong khi đó ghi nhận đến 7,37 ca tử vong trên 1.000 người, tăng 0,19 so với năm trước. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1960, nước này ghi nhận số ca sinh ít hơn số ca tử vong.
Kongkong, nhà nghiên cứu 26 tuổi, tuyên bố không sinh con, nói rằng phải cần rất nhiều tiền để có được cuộc sống tạm coi là đầy đủ cho trẻ nhỏ phát triển toàn diện. "Những thứ học ở trường công lập đều là tuyên truyền, giáo điều, nên tôi mong có thể gửi con đến trường quốc tế hoặc cho đi du học. Nhưng kinh tế không cho phép nên quyết định không sinh con", cô nói.
Eunice, gia sư tiếng Anh 34 tuổi, cũng nói rằng đại dịch mang đến cảm giác bất an và ảnh hưởng đến quyết định sinh con. "Có con không phải là điều tôi cân nhắc lúc này bởi tự lo liệu cho bản thân cũng còn nhiều khó khăn", cô nói.
Phương Minh (Theo Sixthtone)