"Ăn tại đây giúp tôi giữ mức chi tiêu cho ăn uống dưới 100 tệ (350.000 nghìn đồng) mỗi ngày", Zhang nói. Một nhân viên phục vụ tại quán ăn này cho biết những người trẻ tuổi như Zhang hiện chiếm khoảng 1/3 lượng khách hàng.
Zhang là Gen Z, những người trong độ tuổi từ 15 đến 29. Thế hệ này đang trở thành mối bận tâm đối với các nhà tiếp thị và hoạch định chính sách. Theo một số nghiên cứu chung được công bố gần đây bởi Viện Nghiên cứu Truyền thông Tsinghua-Nikkei, Gen Z chiếm 18,4% trong tổng số 1,4 tỷ dân Trung Quốc.
Họ được xác định là nhóm tiêu dùng và nuôi dạy trẻ em mục tiêu trong tương lai. Nhưng ngày nay họ đang phải đối mặt với nhiều gánh nặng do tăng trưởng kinh tế chậm và già hóa dân số. Tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16 đến 24 tuổi ở mức hơn 15% trong tháng 2, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc là 5,3%.
Các cụm từ "tiêu dùng ngược", "sống cho bản thân", "sống tằn tiện" chỉ lối sống của người trẻ trở nên thông dụng trên mạng xã hội Trung Quốc. Chúng phản ánh cách người trẻ lớn lên trong thời đại kinh tế phát triển và mức sống ngày càng tăng và có xu hướng chi tiêu hợp lý hơn.
Biao Xiang, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Max Planck của Đức, nhận xét xu hướng này được thúc đẩy bởi cảm giác bất định về tương lai, nghi ngờ và vỡ mộng.
Tuy nhiên những nỗi sợ hãi và thất vọng đó đang thể hiện theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả tìm đồ giảm giá trên các nền tảng thương mại điện tử. Ứng dụng trực tuyến Soul với 80% lượng người dùng là Gen Z đã xác định lối sống tằn tiện và sống cho bản thân là xu hướng chính trong năm 2024.
Báo cáo của Soul cũng chỉ ra các từ khóa gắn với Gen Z như "sức khỏe lười biếng" - mô tả mong muốn tìm đến các biện pháp rẻ tiền để cải thiện sức khỏe và ngủ đủ giấc hay "du lịch thần tốc" - chỉ những chuyến đi ngắn, lịch trình dày đặc để giảm thiểu thời gian và tiền bạc.
Julienna Law, biên tập viên của cơ quan truyền thông Jing Daily nói: "Khi nền kinh tế tằn tiện phổ biến hơn, các hoạt động như ăn uống tại căng tin cộng đồng và mua sắm tại cửa hàng giảm giá đã trở thành chiến lược tiết kiệm tiền phổ biến".
Catherine Lin, làm việc tại xưởng sản xuất pin mặt trời ở thành phố Ninh Ba, Trung Quốc, luôn tìm mua bánh ngọt giảm giá. Cô gái 30 tuổi nói thích ăn bánh nhưng không dám mua vì đắt tiền. Nhưng ngày nay qua việc tìm các mã giảm giá, Lin có thể mua được miếng bánh giá chỉ 16 nhân dân tệ thay vì 37 nhân dân tệ như niêm yết tại cửa hàng.
Yong Chen, chuyên gia về kinh tế du lịch tại Trường Kinh doanh Khách sạn EHL ở Thụy Sĩ, cho biết sự suy thoái trong tiêu dùng đã ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế. Nhiều người đặt hàng mang đi hơn là ăn ngoài vì giá rẻ và tiện lợi hơn.
Biao Xiang cho rằng Gen Z có thể có tuổi thơ hạnh phúc nhất về mặt vật chất trong lịch sử Trung Quốc. Nhưng khi lớn lên họ cũng phải chịu nhiều căng thẳng về mặt tinh thần dưới kỳ vọng của bố mẹ phải thành đạt. Điều này khiến các chuyên gia lo ngại không ít người trẻ dần trở nên khép kín và chủ động tìm kiếm lối đi riêng.
Xiaozhu, đơn vị cung cấp dịch vụ chia sẻ chỗ ở, nhận thấy lượt tìm kiếm lưu trú trong đền, chùa của người người trẻ tăng gấp 24 lần trong thời gian Tết Nguyên đán.
Ngày nay lưu trú tại đền, chùa đã trở thành một giải pháp thay thế cho khách sạn bởi giá rẻ và có thể giải tỏa tinh thần. Một đêm tại đây chỉ có thể mất khoảng 80 nhân dân tệ, đã bao gồm các buổi thiền vào sáng sớm.
Chỗ ở trong chùa cũng thu hút những người trẻ như Shirley Zuo, người đã bỏ việc vì lo sợ cho tương lai. Năm ngoái, cô đã trải qua một đêm tại tu viện ở Trường An, miền bắc Trung Quốc, với tư cách là tình nguyện viên. Cô nói chạy trốn khỏi thực tại và tìm đến một môi trường đủ yên tĩnh để suy ngẫm về mọi việc.
Trong khi đó người trẻ chọn sống tằn tiền, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc lại tìm mọi cách để đảm bảo thế hệ trẻ kiếm tiền và sẵn sàng chi tiêu.
Minh Phương (Theo Nikkei)