Là sinh viên trao đổi đến học tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, trong chương trình Erasmu, Marie Zafimehy ngạc nhiên khi nhận ra hầu hết sinh viên năm nhất ở đây đều lớn tuổi hơn mình. Marie sắp có bằng cử nhân ở tuổi 20 trong khi với người trẻ Thụy Điển đây mới là tuổi bắt đầu học đại học. Cuối cùng, Marie biết họ thường có một năm nghỉ giữa trung học và đại học. Điều này không phổ biến ở Pháp và bị coi là dấu hiệu của sự thất bại trong tương lai.
Bạn phải nghĩ nghiêm túc về tương lai
Adèle Fensby, sinh viên ngành khoa học chính trị người Pháp lai Thụy Điển ở Đại học Uppsala cho biết: “Giáo viên nói rằng kế hoạch của tôi tốt nhưng tôi phải nghĩ nghiêm túc về tương lai”. Adèle và chị gái song sinh đều học trung học ở Grenoble, Pháp. “Giáo viên không nhiệt tình hỗ trợ và muốn tôi tham gia lớp dự bị. Tôi chỉ đăng ký học chương trình kinh tế tại một trường đại học do vậy họ không quan tâm đến tôi nữa”, cô chia sẻ. Có chung cảm nhận, chị gái song sinh của Adèle thậm chí không nói với trường rằng mình sẽ nghỉ một năm.
Vào tháng 8/2014, sau khi nhận bằng tốt nghiệp trung học, hai chị em bay sang Thụy Điển để học tiếng Anh tại Đại học Gothenburg. Sau một năm, hai chị em rẽ sang các con đường khác nhau: Adèle quyết định tiếp tục học ở Thụy Điển và đăng ký chương trình khoa học chính trị ở Đại học Uppsala trong khi người chị trở về Pháp học luật tại Paris.
Adèle cho biết chị gái mình đã có khoảng thời gian khó khăn đăng ký vào đại học khi trở lại Pháp. Thực tế, nhiều trường đại học ở Pháp chỉ chấp nhận sinh viên mới tốt nghiệp cấp ba hoặc đã học ít nhất một năm đại học trước đó. Một năm nghỉ bị coi là gánh nặng hơn là một tài sản. Ngược lại, Adèle với quyết định học tiếp ở Thụy Điển đã có thêm một điểm cộng cho một năm nghỉ đó.
Thực tế, một năm nghỉ sẽ cộng thêm “điểm giá trị” cho người Thụy Điển khi đăng ký học đại học. Hệ thống này khuyến khích người trẻ Thụy Điển ra nước ngoài và tận dụng tối đa cơ hội để nạp đầy năng lượng.
Nhiệt huyết với năm “nghỉ giữa hiệp” của người Thụy Điển
Maja Sellergren vừa tốt nghiệp trung học tháng 6 vừa rồi. Cô có kế hoạch làm việc một vài tháng trước khi sang Costa Rica với hai người bạn trung học của mình. Mọi người xung quanh cô ủng hộ quyết định đó. “Cha mẹ nghĩ rằng tôi có thể làm những gì tôi muốn và thầy cô giáo, bạn bè của tôi nghĩ rằng đó là điều tốt vì tôi sẽ có cơ hội để thử những điều mới và đi du lịch”, cô chia sẻ.
Trong khi giáo viên và đa phần gia đình ở Thụy Điển rất ủng hộ việc “nghỉ giữa hiệp” thì một số phụ huynh lại có cảm xúc lẫn lộn về quyết định này.
Eric Ryden thừa nhận: “Cha mẹ đã hy vọng tôi sẽ chỉ nghỉ nửa năm và họ bắt đầu chỉ trích khi tôi nói rằng đang cân nhắc việc nghỉ thêm một năm nữa”. Sau khi dành một năm đi du lịch vòng quanh châu Á và châu Mỹ, anh được nhận vào học ngành luật tại Đại học Uppsala. Nhưng Eric hoàn toàn hiểu quan điểm của cha mẹ mình: “Họ chưa bao giờ làm như vậy nên tôi không đổ lỗi cho họ vì không hoàn toàn hiểu được sự tự do mà một năm nghỉ mang lại”.
Trong khi đó, cha mẹ của Anna Tybrandt lại hoàn toàn ủng hộ cô trong suốt ba năm nghỉ. Cô chủ yếu làm việc tại quê nhà Gothenburg để kiếm tiền và đi du lịch vòng quanh châu Âu và Đông Á. Với cha mẹ cô, dành nhiều năm để nghỉ không phải là vấn đề, miễn là cô không lãng phí nó. “Tôi nghĩ là họ sẽ không ủng hộ như vậy nếu tôi dành ba năm ở nhà chơi điện tử”, Anna nói đùa.
“Một cơ hội tuyệt vời”
Rất ít sinh viên Thụy Điển thấy hối hận vì thời gian nghỉ của họ. Adèle Fensby chia sẻ: “Một năm nghỉ cho chúng tôi thời gian khám phá rất nhiều điều, mở mang đầu óc, chúng tôi đã gặp nhiều bạn mới và sinh viên quốc tế”.
Một số sinh viên thậm chí thay đổi suy nghĩ sau khi bắt đầu học đại học. Erik Ryden chia sẻ: “Tôi đã có một vài người bạn bắt đầu học và sau đó nghỉ một năm. Dành một năm nghỉ là quyết định đúng nhất trong cuộc đời tôi cho đến bây giờ. Tôi không biết mình sẽ như nào, ở đâu nếu tôi không dành thời gian để xem xét việc học đại học của mình và làm cái gì đó thay vì học trong một thời gian”.
Trong năm 2012, chỉ 31% học sinh Thụy Điển tốt nghiệp trung học chọn không có một năm nghỉ sau trung học.
Quỳnh Linh (theo The Local)