Cô gái 24 tuổi ở Sơn La nói quy định của homestay này là không dùng bất kỳ thứ gì có hóa chất. Chủ nhà sẽ chuẩn bị sẵn kem đánh răng dạng bột làm từ dầu dừa và muối, dầu gội làm từ bồ hòn và tắm bằng nước lá sả chanh hương nhu. Hàng ngày, khách được ra làm vườn, thu hoạch rau quả để làm thức ăn.
Dù bất tiện, Thiên Nga vẫn cảm thấy việc chi hơn một triệu đồng mỗi đêm tại homestay ở Đắk Nông này là "rất đáng". "Nhờ thế mà tôi hiểu hơn về những cách bảo vệ môi trường, về nông nghiệp tự cung tự cấp", cô nói.
Là một nhà sáng tạo nội dung, Nga thường thấy cô đơn và stress trước áp lực công việc, bình luận tiêu cực trên mạng, không nhiều bạn bè để trò chuyện. Tình cờ biết đến trào lưu thử sống tự cung tự cấp, cô lập tức đăng ký trải nghiệm.
Ngày đầu tiên đặt chân đến đây, bất ngờ khi chứng kiến cảnh chim chóc ríu rít, bay từng đàn quanh khu nhà ở, khách và chủ nhà cùng nấu ăn, quây quần, cảm giác cô đơn của Nga dần biến mất.
Chán cảnh chen chúc "sống ảo" ở những homestay sang trọng, Ngọc Trang, 25 tuổi, chọn trải nghiệm ở một homestay nằm trên lưng đồi ở Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội hơn 20 km. Vừa đặt balo xuống, cô đã được chủ nhà lôi đi nhặt hạt dẻ, gom rác ở rừng, cách chỗ ở chừng 7 km, cùng với những khách trọ khác.
Ở đây, Trang và mọi người phải tuân theo quy định đi ngủ lúc 21h, thức dậy vào 5h, khác hẳn lối sống "cú đêm" khi ở nhà. Dù vậy, cô nhân viên văn phòng nói chỉ khi ở nơi cách biệt với nhịp sống vội vã, cô mới thấy bình tâm, ăn ngon, ngủ đúng giờ.
Trào lưu người trẻ đăng ký lưu trú, nghỉ dưỡng ở những homestay hay farmstay theo hướng sống xanh, nông nghiệp tự cung tự cấp trở nên phổ biến khoảng một năm trở lại đây.
Quản trị viên nhóm "Tình nguyện viên nông nghiệp xanh" với hơn 80.000 thành viên cho biết nhóm lập từ năm 2020, ban đầu là nơi để các chủ homestay chia sẻ thông tin về mô hình nông nghiệp cũng như những trải nghiệm sống thuận tự nhiên, bảo vệ môi trường. Những năm trước chỉ người muốn có kinh nghiệm làm nông để kinh doanh, trồng trọt mới có nhu cầu đến học hỏi hoặc đăng ký làm tình nguyện viên.
"Nhưng hơn một năm gần đây, người trẻ biết đến nhiều và thích trải nghiệm ở những nơi này, mỗi tháng nhóm nhận được hàng chục bài viết chia sẻ về trải nghiệm của họ", quản lý nhóm cho biết.
Các homestay hoạt động theo mô hình này xuất hiện ngày càng nhiều, rải rác ở khắp các vùng trên cả nước nhưng tập trung chủ yếu quanh Hà Nội, Hòa Bình, Đăk Nông, Đăk Lăk hay Lâm Đồng. Riêng ở Đà Lạt có khoảng hơn 50 homestay, farmstay kết hợp lưu trú và trồng trọt, có những quy tắc sống xanh.
Là chủ một vườn cây ăn trái ở Đà Lạt, quy mô hơn 7.000 m2, chị Định Lê Thảo Nguyên, 28 tuổi, cho biết từ đầu năm 2024, mỗi tháng có khoảng gần 30 khách lưu trú, hơn 70% là người trẻ từ 18-29 tuổi, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Phí ở cho khách 100.000 đồng một ngày. Khách đăng ký ở tối thiểu 5 ngày mới được nhận.
Họ thường tìm đến farmstay của chị một phần vì muốn trải nghiệm thu hoạch mít, bơ, xoài, vú sữa, phần vì thích không khí thiên nhiên ở Đà Lạt, sáng sớm dậy cắt cỏ, tưới cây, trưa cùng nhau nấu cơm.
Bà chủ cho biết, nhiều người trẻ thay vì nghỉ dưỡng vài ngày như trước kia, giờ chọn làm tình nguyện viên vài tuần đến vài tháng ở đây. Có những người ở được lâu nhưng cũng nhiều người làm chưa đầy một tuần đã bỏ cuộc.
"Trải nghiệm này cũng giúp các bạn thực tế, bớt mơ mộng về cuộc sống 'bỏ phố về rừng', tự cung tự cấp, được an nhàn, thoải mái hơn thành thị", Thảo Nguyên nói.
Anh Dũng, 44 tuổi, chủ homestay Mộc An Nhiên ở Pleiku, Gia Lai nói từ đầu năm tới nay, mỗi tháng đón gần 50 khách, hơn 80% là người trẻ từ 18-24 tuổi. Họ thích thú khi được tự hái cải kale ép sinh tố uống, thu hoạch chuối, đu đủ cũng như tự nấu nướng như ở vườn nhà mình.
Lượng tình nguyện viên đăng ký tới homestay ngày càng đông. Mỗi bài đăng tuyển của anh thu hút hàng trăm bình luận quan tâm của các bạn trẻ. Họ sẽ đăng ký công việc mình có thể làm như làm bánh, pha chế, trang trí, chăm cây cối, tiếp khách nước ngoài, dạy tiếng Anh cho trẻ trong thôn. Mỗi đợt anh chọn ra hai bạn phù hợp để nhận làm.
"Năm 2021, tôi từng đăng tuyển nhưng không có ai, đến giờ nhiều bạn chấp nhận đợi ba, bốn tháng để có cơ hội sống ở đây một thời gian", anh Dũng nói.
Từng là tình nguyện viên hơn một tháng tại một homestay có vườn trồng cà phê, cây thảo dược ở Đà Lạt, Huyền Nhan, 33 tuổi, ở TP HCM nói thời gian đầu chưa quen nên "tay chân chi chít vết trầy xước", làm gãy cành khiến cây không phát triển rồi cơ thể ê ẩm, đau nhức chân, tay. Việc thức dậy, ăn uống đúng giờ cũng khiến cô uể oải.
"Tôi như được trở thành nhà nông thực sự, chỉ chăm lo cho cây trồng không còn thời gian để buồn bã hay nghĩ linh tinh", Nhan nói.
Nói về xu hướng thích sống, trải nghiệm ở những mô hình homestay nông nghiệp, tự cung tự cấp chuyên gia tâm lý Trần Hương Thảo (TP HCM) cho biết thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z ngày nay có xu hướng chú ý bồi đắp cuộc sống tinh thần nhiều hơn. Việc trải nghiệm này cũng là cách các bạn tự giáo dục bản thân về bảo vệ trái đất, học về thiền, yoga hay đơn giản là để chữa lành, chạy trốn hiện tại một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, việc đi làm tình nguyện viên một, hai tháng có thể thời gian đầu sẽ khiến bạn thoải mái nhưng lâu dần sẽ chán nản, mông lung, có thể sẽ quên đi mục đích sống của bản thân.
"Nhiều bạn còn bỏ về sớm khi không quen với công việc lao động chân tay, bởi đấy cũng không phải là giá trị sống mà họ theo đuổi lâu dài mà là trải nghiệm nhất thời", chuyên gia nói.
Chi gần hai triệu đồng cho một đêm ở homestay ở Măng Đen, Kon Tum, Như Thảo, 22 tuổi, TP HCM nói quá đắt so với trải nghiệm cô nhận được. Homestay là dạng tự cung tự cấp, nằm cách xa trung tâm, đồ ăn thiếu thốn, điện nước yếu. Ở đây tất cả phải đi ngủ đúng giờ, giữ yên tĩnh, nhất là vào sáng sớm khi mọi người cùng nhau tập Yoga. "Đi chữa lành nhưng lại thấy bực tức, khó chịu, không quen được với nhịp sống chậm này", Thảo nói. "Trải nghiệm mới thấy "bỏ phố về rừng" là không dễ dàng, tôi nên tìm hiểu kĩ về lối sống này trước khi tới đây để bản thân không bị khó chịu, không thoải mái".
Theo chuyên gia Trần Hương Thảo, việc đột ngột thay đổi nhịp sống từ thành thị về rừng khiến cơ thể không kịp thích nghi, có thể dẫn đến sự mệt mỏi, bực bội. "Kể cả tắt Internet hay thiết bị điện tử cũng là tạm thời, nếu muốn bền vững phải thực sự hiểu về lối sống này cũng như kiên trì theo đuổi", chị Thảo nói.
Thanh Nga