Trang, hiện là sinh viên Đại học Ngoại Thương, biết đến trào lưu Dậy sớm để thành công qua kênh TikTok. Nhiều tài khoản chia sẻ về việc dậy sớm để tập thể dục, yoga, thiền, đọc sách hay làm các hoạt động có ích cho bản thân, từ đó tạo nguồn năng lượng tích cực, giúp hoàn thành các mục tiêu trong công việc cũng như cuộc sống.
Ngày đầu tiên khi chuông báo thức kêu lúc 5h, Trang phải mất 45 phút để có thể "đấu tranh" ra khỏi giường, vì tối hôm trước cô vẫn thức đến 1h sáng. Cơ thể lờ đờ, uể oải, cô gái vẫn cố gắng dành 30 phút chạy bộ, sau đó thêm 20-30 phút đọc sách, ăn sáng và viết các công việc cần thực hiện. Nhờ tham gia vào cộng đồng dậy sớm trên TikTok, Trang được nhắn tin, báo thức và nhận các lời động viên mỗi ngày. Do đó, cô vượt qua được khó khăn trong những ngày đầu, tạo được thói quen dậy sớm sau 60 ngày.
"Từ khi dậy sớm, tập thể dục, thiền và thực hành lối sống lành mạnh, tôi cảm thấy khỏe khoắn cả về thể chất lẫn tinh thần", cô gái chia sẻ.
Cũng từng thức khuya triền miên, dẫn đến xuất huyết dạ dày, trầm cảm nhẹ, Uyên, hiện làm thiết kế đồ họa, tham gia vào cộng đồng "dậy sớm" để chữa bệnh. Cô bắt đầu ngày mới với yoga, thiền, giúp khỏe khoắn hơn. Để tăng động lực, Uyên tham gia vào nhóm thực hành chánh niệm lúc 5h. Tại đây, mọi người cùng tham gia một phòng họp trên Zoom, mở camera để nhìn thấy nhau.
Uyên cho biết lúc đầu cảm thấy khó và mệt, song cô nhận ra bài học là phải ngủ đủ giấc mới giúp dậy sớm. Do đó, Uyên cố gắng đi ngủ vào lúc 22h, đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, thức dậy với tinh thần sảng khoải để thực hiện các việc buổi sáng.
Nhiều tài khoản TikTok tại Việt Nam cũng chia sẻ bí quyết giúp dậy sớm mà không mệt, nhận được nhiều sự quan tâm. Tìm kiếm từ khóa #5amclub (câu lạc bộ 5 giờ sáng), hàng loạt video xuất hiện, có video lên tới hàng triệu lượt xem. Nhiều nhóm được lập ra để kết nối, giúp mọi người thêm động lực dậy sớm, chia sẻ những hoạt động buổi sáng.
Theo Brightside, một số người thành công, gồm các CEO của những công ty hàng đầu thế giới, đều ủng hộ "Câu lạc bộ 5 giờ sáng", một khái niệm được nhà văn Robin Sharma tạo ra trong cuốn sách cùng tên. Theo đó, Sharma chia sẻ quan điểm những giờ đầu tiên trong ngày vô cùng quý giá và nếu bạn làm chủ buổi sáng, bạn sẽ làm chủ cuộc sống của mình. Người có thói quen thức dậy sớm thường có tính bền bỉ, hợp tác và ham muốn những trải nghiệm mới.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Xã hội Ứng dụng cũng cho rằng người dậy sớm thường chủ động hơn, một phẩm chất gắn liền với thành công trong sự nghiệp. Trong khi đó, những người đấu tranh để rời khỏi giường có nhiều khả năng bị trầm cảm, stress và thừa cân.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng khẳng định lợi ích của việc dậy sớm để tập thể dục, thiền, hoặc viết ra những điều bản thân biết ơn sẽ hài lòng với cuộc sống hơn, bớt suy nghĩ tiêu cực, khả năng miễn dịch tốt, tiêu hóa tốt hơn... Ví dụ, công trình được công bố trên JAMA Psychiatry phát hiện ra những người có khuynh hướng di truyền thức dậy sớm hơn một giờ so với những người được coi là "dậy muộn" thì nguy cơ trầm cảm thấp hơn 23%. Việc tập thể dục vào sáng sớm cũng giúp giảm đáng kể lượng cortisol (hormone gây căng thẳng) và đốt cháy mỡ gấp đôi so với người tập luyện sau bữa sáng.
Tuy nhiên, giảng viên tâm lý học Nguyễn Thị Hương Lan, Học viện hạnh phúc Việt Nam, cho biết thức dậy sớm trong tình trạng thiếu ngủ sẽ phản tác dụng, hậu quả tiềm ẩn là cơ thể thường mệt mỏi, thiếu năng lượng, buồn ngủ vào ban ngày, dễ cáu gắt, tăng nguy cơ té ngã, tai nạn giao thông. Ngủ quá ít có thể ngăn não đưa thông tin mới vào bộ nhớ, giảm khả năng nhớ. Hơn thế, ngủ không đủ giấc có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch cơ thể, lâu dần sinh bệnh tật.
"Nếu bạn bỏ giấc ngủ để cố theo trào lưu, dậy sớm lúc mặt trời chưa mọc thì nguy cơ nhanh chóng bị kiệt sức", bà Lan nói, thêm rằng sự kiệt sức có thể dẫn đến trầm cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên xem xét hoàn cảnh cá nhân trước khi tham gia trào lưu này. Nếu bạn có con nhỏ, hoặc thường xuyên thức khuya hay nhiều việc phải làm buổi tối thì không nên dậy sớm.
Trường hợp quyết định theo đuổi thói quen dậy sớm, bạn cần tắt điện thoại trước 20h, thư giãn bằng cách tắm, đọc sách, nghe nhạc đến 21h, sau đó đi ngủ. Những thói quen này sẽ giúp cơ thể điều chỉnh sản xuất melatonin (chất hóa học báo hiệu cơ thể cần ngủ), bạn vào giấc dễ dàng hơn.
Guy Meadows, chuyên gia hàng đầu về giấc ngủ, đồng sáng lập Sleep School, cũng khuyến nghị việc tăng thêm giờ buổi sáng "có vẻ hấp dẫn giúp tăng năng suất", nhưng điều cần thiết là phải duy trì thói quen ngủ lành mạnh.
"Thay đổi đột ngột thời gian thức dậy mà không điều chỉnh giờ đi ngủ có thể dẫn đến thiếu ngủ, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể", ông nói, thêm rằng giấc ngủ rất quan trọng đối với chức năng nhận thức, điều chỉnh tâm trạng và sức khỏe thể chất.
Muốn dậy lúc 5h, bạn nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày và tuân theo cùng một lịch trình, kế cả cuối tuần. Sự chuyển đổi có thể không dễ dàng ở giai đoạn ban đầu, song chuyên gia khuyến khích mọi người nên thay đổi theo cách dậy sớm hơn thường lệ khoảng nửa giờ, duy trì một vài ngày, tiếp tục điều chỉnh thêm nửa giờ, đợi trong vài ngày rồi lại thay đổi. Điều đó dễ dàng hơn so với sự thay đổi đột ngột.
Để phấn chấn, vui vẻ khi ra khỏi giường vào đầu ngày mới, chuyên gia gợi ý bạn nên thưởng thức một thứ gì đó đặc biệt, đem lại sự hào hứng, như chạy bộ ra công viên, tập yoga, sau đó dùng bữa sáng yêu thích và uống một ly cafe.
Thúy Quỳnh - Như Ngọc