Hải Hà, con gái chị Nguyễn Thị Hồng (47 tuổi, ở Bắc Giang) rời quê ra Hà Nội, rồi vào TP HCM kiếm sống cách đây 7-8 năm. Thi thoảng, cô gọi về cho mẹ, nói mở quán bán cà phê, hoa quả, nhưng không làm ăn được nên chẳng có tiền gửi mẹ. Chị Hồng không kết nối với tài khoản Facebook của con gái nên hoàn toàn không biết cô xây dựng hình ảnh "là người học thức, có bố là Việt kiều", dù cô chưa học hết cấp 2. Hà thường xuất hiện bên siêu xe, mặc đồ thương hiệu nổi tiếng, ăn trong nhà hàng sang trọng.
"Tôi sốc nặng, mất ăn mất ngủ mấy đêm liền. Tôi không hiểu vì sao con mình lại trở nên như vậy", người mẹ nông dân, nói.
Ở Hà Nội, chị Nguyễn Thủy Trúc, 42 tuổi, cũng bất lực với hai đứa con thích "sống ảo". Vợ chồng chị là công chức nhà nước, tổng thu nhập chỉ khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng. Nhiều lần chị phải vay tiền đồng nghiệp để trả tiền học phí, tiền ăn và sinh hoạt phí của hai con. Để tăng thu nhập, người mẹ bán thêm hàng online nhưng các con chị đều xây dựng hình ảnh tiểu thư, công tử nhà giàu.
Con trai lớn đã học xong đại học, con gái đã học xong cấp ba. Khi chị Trúc gợi ý mua xe máy, xe đạp điện để đi lại trong thành phố thì không đứa nào chịu. "Dù đi học, đi chơi, chúng nó đều bắt taxi. Không đứa nào chịu tập đi xe máy, bảo mai này có ôtô thì học bằng lái. Với kinh tế gia đình thế này, đến bao giờ mới có ôtô?", chị than.
Cậu con trai Đức Hoàng đã nhận bằng tốt nghiệp nửa năm, nhưng không có ý định tìm việc. "Nếu chỉ làm nhân viên bình thường, thu nhập chục triệu thì con không làm. Bố mẹ cho con tiền đi du học", cậu đề xuất.
Con gái thứ hai của chị Trúc cũng muốn đi du học với lý do "lớp con đa số chúng nó đều thế". Sống trong căn hộ tầm trung ở Đống Đa, nhưng cô bé luôn giới thiệu với bạn bè nhà có biệt thự liền kề, có vài bất động sản ở ngoại thành. Trên mạng xã hội, cả hai đều xây dựng hình tượng "hot boy", "hot girl", chụp hình ở những nơi sang trọng, ăn trưa ở nơi đắt tiền và quen với người nổi tiếng.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng nghiên cứu đời sống xã hội (Social life) trong thời đại kỹ thuật số phát triển rầm rộ như hiện nay, những đứa con như của chị Hồng và chị Trúc không hiếm. Đa số người trẻ phóng chiếu cái tôi cá nhân của mình lên các trang mạng xã hội. Họ luôn phải kiến tạo bản thân cho vừa vặn với các không gian ấy khiến bản sắc cá nhân (cái tôi) bị phân mảnh. Họ cùng lúc sống hai, thậm chí nhiều cuộc đời song song.
Báo cáo Digital 2021 của công ty quảng cáo kỹ thuật số We Are Social (Anh) củng cố thêm quan điểm của ông Lộc. Theo đó, có khoảng 72 triệu người Việt Nam dùng mạng xã hội, tương đương hơn 73% dân số. Nhóm 25-34 tuổi và 18-24 tuổi lần lượt là hai nhóm sử dụng nhiều nhất nên hay xuất hiện tình trạng lệ thuộc nhất.
Trong khảo sát của Social life năm 2022 với hơn 2.200 thanh niên tại TP HCM, có 96,5% sử dụng mạng xã hội. Nhiều người trẻ cùng lúc sử dụng nhiều nền tảng khác nhau.
Đa phần thanh niên tham gia khảo sát đều là người làm công ăn lương (60,1%) chỉ 0,8% đang làm chủ hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng khi chọn hình mẫu lý tưởng cho mình, chỉ khoảng 44% chọn "thành chính mình", còn lại, họ muốn thành doanh nhân (23,25%), giáo viên/giảng viên (13,2%), công chức/lãnh đạo nhà nước (7,7%), nghệ sỹ, vận động viên trong lĩnh vực văn hóa thể thao (4,8%), chuyên gia trong các lĩnh vực (bác sỹ, kỹ sư, luật sư...) (4,5%), và nhà hoạt động xã hội (2,4%).
Theo ông Lộc, ngoài tác động của mạng xã hội, cách cha mẹ nuôi con bằng kỳ vọng biến người trẻ thành thế hệ con cưng, nghĩ đến bản thân nhiều hơn cho người khác. Họ có cách nhìn thế giới riêng, những đòi hỏi riêng, vượt quá điều kiện thực.
Chị Thủy Trúc thừa nhận đã từng quá nuông chiều con. Sinh ra trong gia đình nông dân thiếu thốn trăm bề nên khi có con, chị bù đắp cho chúng nhiều hơn mức cần thiết. Dù không có tiền trong túi, chị cũng sẵn sàng vay mua cho con cái cặp đẹp nhất, bộ quần áo đắt tiền để đến trường, không thua chúng bạn. Chị không bao giờ than thở với con những áp lực kinh tế phải chịu.
Có điều, khi con cái lớn lên, thu nhập của hai vợ chồng không theo kịp nhu cầu của chúng. Con trưởng thành, chị Trúc nghĩ đã đến lúc nói cho chúng hiểu điều kiện kinh tế gia đình, khuyên con lớn đi làm, con nhỏ học trong nước, nhưng chẳng đứa nào nghe.
"Ngày trước bố mẹ bảo các con chỉ cần cố gắng học, không phải lo lắng gì. Giờ nguyện vọng của con được đi du học thì lại không muốn cho đi. Nếu hết tiền, bố mẹ xin ông bà bán đất ở quê đi", cô con gái đáp trả lời than thở của mẹ.
Trái lại, theo chuyên gia, khi cuộc sống thực tế quá thiếu thốn, không được như mong đợi, cũng đẩy nhiều người trẻ đến ý định khỏa lấp kỳ vọng đó bằng cách xây dựng mình thành một con người khác thực tế.
Hải Hà là một trường hợp như vậy. Bố mẹ ly hôn khi Hà chưa bước qua tuổi thiếu niên. Mẹ vừa làm nông, vừa đan nón nên không thể lo cho con được đầy đủ. "Lúc nhỏ, nó luôn muốn tôi mua cho cái này, cái kia, nhưng tôi bảo nhà mình nghèo, làm sao đủ tiền cho con", chị Hồng tâm sự.
Khi bị những người quen biết tố "sống ảo", Hải Hà nói luôn khát khao được sống một cuộc đời giàu sang. Đến khi lên mạng xã hội, thấy bạn bè khoe nhà tiền tỷ, đồ hiệu, cô không muốn thua kém nên mới tìm đủ mọi cách để lừa dối người khác.
Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam, năm 2020, của Hội đồng Anh, chỉ ra thực trạng ghen tị vì những gì người khác thể hiện trên mạng xã hội, giống cảm nhận của Hải Hà. Báo cáo nhận định, mạng xã hội mang đến những thách thức lớn với giới trẻ, đặc biệt là những người xuất thân gia đình có thu nhập thấp.
Trong thảo luận nhóm ở TP. Hồ Chí Minh, các ứng viên tham gia nghiên cứu từng kể về những vụ ẩu đả tại trường học đều bắt nguồn từ yếu tố tầng lớp. Những đứa trẻ xúng xính hàng hiệu, biểu tượng của sự giàu có như túi xách Gucci... châm ngòi cho các vụ ẩu đả vì ghen tị. Đặc biệt, tất cả ẩu đả đó đều được tiếp sức bởi mạng xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM cho rằng không chỉ tác động của mạng xã hội và điều kiện gia đình, cách tiếp nhận thông tin một cách dễ dãi, chỉ dựa trên những gì một người đăng trên mạng xã hội, mà thiếu phân tích dựa trên những cơ sở đáng tin cậy, của những người xung quanh cũng là nguyên nhân thúc đẩy người trẻ thích "tô vẽ bản thân" trên mạng xã hội.
"Nhìn thấy ai đó đăng bức ảnh ở một nơi sang trọng, ăn mặc đồ hiệu, bạn vào like, bình luận tỏ ra trầm trồ, ngưỡng mộ, kích thích sự phấn khích, thúc đẩy nhu cầu thể hiện bản thân của họ trên mạng nhiều hơn", chuyên gia nói.
Bà Minh cho rằng, khi tìm hiểu về một người, không chỉ quan sát những gì họ thể hiện, đăng tải trên mạng xã hội, mà phải kết hợp nhiều phương pháp phân tích: phỏng vấn, trắc nghiệm, thực nghiệm, xem xét lý lịch và nhìn vào thành quả công việc người đó làm. Điều đó đồng nghĩa với việc, muốn đánh giá ai đó, cần tương tác, gặp trực tiếp, đánh giá qua nhiều kênh khác nhau dựa trên cơ sở đáng tin cậy, thay vì khen chê qua mạng xã hội.
Theo các chuyên gia, giáo dục gia đình và nhà trường là nền tảng quan trọng giúp người trẻ định vị bản thân, xác định mình là ai, muốn gì trên cuộc đời này. "Nếu một cha mẹ có cách giáo dục và hành động đúng, đứa trẻ cũng sẽ học theo, làm theo. Nhà trường xây dựng được chương trình học thật, hoạt động xã hội ý nghĩa, thì học sinh sẽ cuốn theo các hoạt động đó, chẳng còn thời gian sống ảo nữa", bà Minh nói.
PGS Lộc cho rằng sự tương tác của các thành viên trong gia đình, giữa người với người là cách giúp người trẻ hiểu rõ bản thân, chấm dứt cảnh "có nhiều cuộc đời song song".
Hiện tại, chị Hồng vẫn ở quê nhà, mong tin con nhưng không thể liên lạc được. Chị không dám ra khỏi nhà, vì xấu hổ khi chuyện của con gái, mọi người trong thôn, trong xã đều biết. Còn chị Thủy Trúc đang loay hoay với lựa chọn của mình. Chị không biết nên mặc kệ hai con, không chu cấp theo nguyện vọng mà để chúng tự thân, hay vay nợ cho con du học.
Tên nhân vật đã thay đổi.
Phạm Nga