Tháng 6/2024, vợ chồng Hải cùng con gái hai tuổi ra ngoài thuê căn chung cư hai phòng ngủ, sau ba năm sống cùng bố mẹ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Cặp vợ chồng trẻ muốn ở riêng để tự do, con cái có không gian rộng để chơi, không bị mang tiếng ăn bám bố mẹ và quan trọng là tránh được cảnh gia đình ba thế hệ (7 người lớn và 2 trẻ nhỏ) chen chúc trong căn nhà chật chội.
Bố mẹ Hải muốn giữ con cháu ở chung cho đỡ tốn kém. Nhưng anh nói thu nhập hơn 20 triệu đồng mỗi tháng của vợ chồng vừa đủ chi trả 8 triệu tiền thuê nhà, tiền bỉm sữa, học phí của con.
Từ ngày ra ở riêng, vợ chồng Hải ví cuộc sống như mơ. Họ không bị bố mẹ yêu cầu dậy đúng giờ, ăn cơm đúng bữa hay bất đồng quan trọng trong cách nuôi dạy con.
Nhưng "ngày vui chẳng tày gang", đến thời hạn đóng tiền nhà tiếp theo, giá thuê được thông báo tăng 3 triệu một tháng "cho phù hợp với mặt bằng chung". Hai tháng sau đó chàng trai 27 tuổi phải vay tiền bố mẹ mới đủ chi tiêu. Đến tháng thứ ba, anh và vợ lại dọn về với ông bà bởi "không thể kham nổi" nữa.
"Cứ đà này thì đến già tôi vẫn không thể ra ở riêng bởi thu nhập kém xa so với giá nhà", Hải nói.

Giá chung cư tại Hà Nội tăng vọt khiến nhiều người không đủ tài chính để mua, thuê. Ảnh minh họa: Quỳnh Nguyễn
Giá bất động sản tăng vọt những năm gần đây khiến kế hoạch mua nhà của Thanh Nhã, 28 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội liên tục đổ bể. Tiết kiệm được 300 triệu đồng, bố mẹ cho thêm 800 triệu đồng nhưng cũng chưa đủ 50% tiền mua nhà.
Nhã khảo sát các căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 50-60m2 ở rìa thành phố, hoặc căn tập thể cũ có cơi nới tại các quận trung tâm đều trên 3 tỷ đồng. Riêng nhà mặt đất trên 30 m2, xây 2-4 tầng đều trên 5 tỷ đồng.
Cô gái 28 tuổi thử tính phương án vay ngân hàng nhưng công việc không ổn định, sợ lãi suất "thả nổi" khiến mất khả năng chi trả.
Trần Hải hay Thanh Nhã là những người phải đầu hàng trong "cuộc chiến" mua, thuê nhà khi giá bất động sản tại Hà Nội tăng cao vài năm gần đây. Xu hướng quay về sống cùng cha mẹ do không chi trả được chi phí bất động sản từng ghi nhận ở người trẻ Anh, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, nay xuất hiện tại Việt Nam.
Chuyên gia bất động sản Lê Quốc Kiên cho biết đối với những người có bố mẹ sở hữu nhà tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, việc tiếp tục ở chung với gia đình là giải pháp hợp lý nhất, giúp họ tiết kiệm chi phí sinh hoạt, giảm áp lực tài chính. Với thu nhập bình quân đầu người từ 10-15 triệu đồng mỗi tháng tại các thành phố lớn, việc sở hữu nhà gần như không thể.
Đầu năm 2025, báo cáo Thị trường mua bán và cho thuê căn hộ tại 15 thành phố lớn ở châu Á của công ty nghiên cứu bất động sản Global Property Guide, cho biết Hà Nội đứng thứ 11 về mức độ đắt đỏ trong giá thuê căn hộ. Căn hai phòng ngủ, giá thuê trung bình lên đến 715 USD (18 triệu đồng), đắt hơn Kuala Lumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia) hay Mumbai (Ấn Độ).
Bản tin thị trường mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết tốc độ tăng thu nhập không theo kịp giá chung cư khiến khả năng chi trả của người dân Hà Nội ngày càng sụt giảm.
Theo VARS, mức thu nhập tối thiểu để mua một căn nhà có giá trung bình tại thủ đô cao hơn khoảng 2,3-10 lần so với thu nhập thực tế của hộ gia đình. Vì vậy, để sở hữu một căn chung cư Hà Nội, người mua cần có thu nhập tối thiểu 45 triệu đồng đến 210 triệu đồng một tháng, tuỳ theo khu vực.
Giải thích về lý do giá bán và cho thuê nhà tại các thành phố lớn tăng vọt, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch của VARS, cho biết nguồn cung hiện tại chỉ có thể phục vụ giới nhà giàu và đầu tư. Người lao động thu nhập thấp chính là nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất bởi các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM mất hẳn phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp khiến nguồn cung không theo kịp thực tế.
Không chỉ Hà Nội, giá nhà đất tại TP HCM cũng trên đà leo thang khiến những người có lợi thế là "dân gốc" thành phố, thu nhập ổn định, không lo chi phí sinh hoạt hàng ngày vẫn không đủ khả năng mua nhà.
Quang Thông, 30 tuổi, nhân viên marketing một công ty truyền thông ở quận 7, TP HCM, nhiều lần nghĩ đến chuyện mua nhà ở riêng nhưng không thể.
Thông có chị gái đã lấy chồng, sống cùng bố mẹ ngoài 70 tuổi ở quận 8. Anh thu nhập 15 triệu một tháng, không tốn chi phí ăn uống và thuê trọ. Ngoài khoản biếu bố mẹ hai triệu, Thông chi tiền xăng xe, đi chơi cùng bạn bè, vẫn dư gần nửa mức lương.
"Mọi người nhà gốc thành phố mua nhà thuận lợi nhưng tôi không thấy vậy", Thông, người trên ba lần muốn dọn ra ngoài để tự lập nhưng do dự bởi bố mẹ lớn tuổi, cần chăm sóc, nói.
Cuối năm 2023, gia đình chị gái anh chuyển về sống cùng. Nhà có thêm cháu gái và anh rể nên khá chật chội. Thông nghĩ thời điểm này lý tưởng để dọn ra ở riêng nhưng khi tìm hiểu giá nhà, anh bỏ cuộc.
Báo cáo về thị trường bất động sản năm 2024, Bộ Xây dựng cho biết TP HCM ghi nhận giá bán căn hộ chung cư tăng khoảng 20-30% so với năm 2023. Nhiều phân khúc phải xác lập mặt bằng giá mới. Phân khúc bình dân trước đây có giá dưới 30 triệu đồng mỗi m2 nay tăng lên 45 triệu đồng. Căn hộ giá rẻ mà Thông muốn mua ở TP Thủ Đức đã gần 2,5 tỷ đồng. Trong khi đó, sổ tiết kiệm anh chỉ hơn 100 triệu, kể cả khi vay ngân hàng anh vẫn không thể trả nổi.
"Tôi nghĩ lương trên 50 triệu mới dám mua nhà", anh kể. "Nếu cày thêm việc ngoài, thu nhập của tôi chỉ hơn 20 triệu, chưa kể mất sức khỏe, không có thời gian cho bản thân".
Để không bị phá sản kế hoạch ra ở riêng, chuyên gia Lê Quốc Kiên khuyên các cá nhân, gia đình không nên chờ đủ tiền mới mua bởi giá nhà thường tăng nhanh hơn mức thu nhập. Mỗi cá nhân nên đặt mục tiêu gia tăng thu nhập và tích lũy khoảng 30% giá trị căn nhà trong 10 năm đầu đi làm, phần còn lại có thể vay ngân hàng với gói vay dài hạn để giảm áp lực tài chính. Tuy nhiên số tiền trả nợ ngân hàng hàng tháng không nên vượt quá 40% thu nhập.
Nhóm này cũng có thể cân nhắc mua nhà ở các khu vực xa trung tâm hoặc mua lại các dự án thứ cấp từ thị trường chuyển nhượng để có mức giá tốt hơn các dự án mới. Phương án mua nhà ở xa để cho thuê, sau thuê lại căn hộ trung tâm thuận tiện cho công việc và sinh hoạt cũng là gợi ý.
Riêng với người có ý định thuê nhà, chuyên gia khuyên không nên chi quá 20% thu nhập cho khoản này, tránh trường hợp gặp khó khăn trong tích lũy tài chính hoặc duy trì các nhu cầu thiết yếu khác.
"Phương án thuê nhà xa trung tâm để tiết kiệm phí thuê nhưng tốn thêm chi phí đi lại và ảnh hưởng đến công việc cũng không phải lựa chọn tối ưu. Việc cần làm là đánh giá tổng thể giữa tiền thuê, chi phí đi lại và thời gian di chuyển trước khi đưa quyết định cuối cùng", ông Kiên nói.
Quỳnh Nguyễn - Ngọc Ngân