Dữ liệu của Trung tâm thông tin tiêu dùng quốc gia Nhật Bản cho thấy số lượng cuộc gọi xin tư vấn về nợ nần cao nhất trong 10 năm qua. Đặc biệt, nhóm người ở độ tuổi 20 tăng gần gấp đôi.
Theo các chuyên gia tài chính, một trong những nguyên nhân là do điều luật hạ độ tuổi trưởng thành xuống dưới 20, cho phép người trẻ ký hợp đồng vay tiêu dùng và mở thẻ tín dụng để tự do chi tiêu mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ.
Câu chuyện một chàng trai 20 tuổi ở TP Shikoku đang sống trong trung tâm bảo trợ xã hội bởi nợ thẻ tín dụng khiến nhiều người Nhật giật mình.
Đầu năm 2022, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai này đã được cấp thẻ tín dụng dù không có việc làm ổn định. Cậu đã mua 7 điện thoại smartphone để bán lại, định kiếm tiền chênh lệch nhưng thất bại. Thanh niên này mang nợ 10.500 USD và phải tìm đến Trung tâm Hỗ trợ pháp lý Nhật Bản, trụ sở Tokyo để làm thủ tục phá sản năm 19 tuổi.
"Đây không phải là trường hợp hiếm gặp", một lãnh đạo của trung tâm nói. Phần lớn người trẻ chưa phát triển được thói quen chi tiêu và lập kế hoạch tài chính.
Ông cho rằng kiến thức kinh tế là rất quan trọng để tránh khỏi rắc rối liên quan đến thẻ tín dụng. Các trung tâm cải tạo trẻ vị thành niên ở Nhật Ban đang nỗ lực triển khai các khóa giáo dục tài chính.
Luật sư Kunitaka Matsumoto của tổ chức hỗ trợ sinh viên JSLC ở tỉnh Kagawa cho biết họ đang xem xét các buổi tư vấn pháp lý và hướng dẫn người trẻ sử dụng thẻ tín dụng.
Takashi Kobayashi, phó chủ tịch Ủy ban tư vấn tiêu dùng của Liên đoàn luật sư Nhật Bản, cảnh báo số lượng thanh niên tuyên bố phá sản sẽ còn tăng nữa.
Trong kịch bản xấu nhất, một số người trẻ có thể tự sát vì gánh nặng nợ nần. Do đó, ông kêu gọi họ nên dựa vào các tổ chức công như hiệp hội luật sư, trung tâm tư vấn tiêu dùng trước khi món nợ trở nên quá lớn.
Ngọc Ngân (Theo Japan Today)