Zavaraldo không khó chịu với những cuộc gặp gỡ hay hẹn hò, nhưng không muốn ràng buộc trong hôn nhân vì muốn tập trung vào sự nghiệp.
Ở quốc gia đông dân thứ tư thế giới này, ngày càng nhiều người trì hoãn kết hôn giống Zavaraldo. Theo cơ quan thống kê, tổng cộng có 1,58 triệu cặp vợ chồng kết hôn năm 2023, ít hơn 128.000 so với 2022, giảm dần từ năm 2018 (2,01 triệu cặp đôi).
Zavaraldo cho biết sự cạnh tranh rất cao trong thị trường lao động và giá nhà đất đắt đỏ khiến anh cần thêm thời gian để ổn định cuộc sống trước khi lập gia đình. Chàng trai dự định kết hôn ở độ tuổi giữa 30.
Dù bố mẹ thúc giục lập gia đình nhưng Zavaraldo đang dự định cuối năm nay sẽ học thạc sĩ ở Hà Lan với hy vọng tạo bước tiến trong sự nghiệp.
Ở các quốc gia khác, hôn nhân giảm đồng nghĩa với dân số giảm nhưng dân số Indonesia lại tăng hàng năm. Điều này làm dấy lên mối lo về sự thay đổi thái độ với hôn nhân.
Nhà xã hội học Dede Oetomo, giáo sư nghiên cứu về giới tính tại ĐH Airlangga ở Surabaya, Đông Java, nhận định tỷ lệ kết hôn giảm sẽ gây nguy hiểm cho mục tiêu trở thành quốc gia phát triển nhân kỷ niệm 100 năm ngày độc lập, năm 2045.
Tại Indonesia, ly hôn cũng tăng mạnh, với 500.000 vụ mỗi năm, so với 250.000-300.000 của 10 năm trước.
Theo Hasto Wardoyo người đứng đầu cơ quan kế hoạch hóa gia đình Indonesia, người trẻ nước này đang theo đuổi chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn, chọn các mục tiêu cá nhân thay vì tuân theo chuẩn mực văn hóa và truyền thống, đồng thời gặp khó khăn hơn trong cam kết và đáp ứng các tiêu chí của hôn nhân.
Nhà xã hội học Musni Umar, ở Jakarta cho biết nền kinh tế Indonesia vẫn chịu ảnh hưởng của đại dịch. Nhiều người mất việc làm, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp phải đối mặt với khó khăn khi gia nhập lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp chung ở Indonesia cao so với các nước láng giềng, ở mức 5,3%, vào tháng 8/2023, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của người từ 15-24 lên đến 19,4%, theo cơ quan thống kê nước này.
Tiến sĩ Dede, ĐH Airlangga cho biết niềm tin một thời là "cứ cưới đi rồi tính sau" đã phai nhạt. Nhiều thập kỷ trước, việc các gia đình nhiều thế hệ sống cùng nhau là bình thường. Nhưng ngày nay các vợ chồng trẻ phải gánh thêm gánh nặng tìm nhà với chi phí vừa phải.
Tỷ lệ kết hôn giảm phản ánh qua sự sụt giảm tổng tỷ suất sinh (TFR) hay số ca sinh trên mỗi phụ nữ ở Indonesia. Theo cơ quan thống kê, TFR nước này là 2,18 năm 2022, so với 2,48 năm 2010.
"Không phải là họ ghét trẻ", Dede nói và cho biết người trẻ ngày nay rất thực tế và do dự về việc lập gia đình. Họ không sẵn sàng về mặt tài chính cho những cam kết lâu dài như vậy nên mới không kết hôn.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, không phải tất cả người đủ khả năng lập gia đình đều nghĩ đến hôn nhân. Quan điểm hiện đại và nhu cầu sống độc lập cũng góp phần khiến thanh niên chỉ đơn giản muốn sống cùng nhau, thay vì ký vào đơn đăng ký kết hôn.
Khi ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, sự độc lập kinh tế ngày càng tăng của họ cũng tác động tiêu cực đến tỷ lệ kết hôn. Họ trì hoãn hôn nhân vì nghĩ đã làm việc rất chăm chỉ và xây dựng sự nghiệp ổn định, vậy tại sao lại đánh mất chỉ vì lấy chồng, đẻ con.
Xa hơn nữa, những lo ngại về biến đổi khí hậu, sự bất ổn môi trường cũng là một trong những lý do ngăn cản kết hôn và sinh con.
Nhật Minh (Theo Straitstimes)