Báo cáo được nhóm chuyên gia tư vấn thuộc tập đoàn tài chính KB Financial Group công bố hôm 17/11 khi khảo sát những người sống một mình tại Seoul và các thành phố lớn, trong độ tuổi 25-59.
Lý do lớn nhất phải đi làm thêm được đưa ra là thu nhập từ công việc chính không đủ chi tiêu hàng ngày và muốn tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp.
Một khảo sát tương tự vào năm 2022 chỉ ra 42% người Hàn Quốc sống một mình cũng làm thêm để trang trải cuộc sống.
Nhóm nghiên cứu phân tích kết quả khảo sát năm nay cho thấy ngày càng nhiều người Hàn Quốc phải chịu gánh nặng về tài chính khi giá cả và lãi suất tăng cao.
Khảo sát cũng cho thấy một tỷ lệ rất lớn người Hàn Quốc thiếu ăn, số bữa ăn trung bình mỗi ngày của họ chỉ là 1,8 bữa, tức có nhiều ngày họ chỉ đủ tiền ăn một bữa. Con số này giảm mạnh so với số liệu thống kê năm 2020, tỷ lệ bữa ăn trung bình mỗi ngày là 2,2.
Mặc dù vậy, hơn 71% người được hỏi thể hiện sự hài lòng khi sống một mình, tăng hơn 68% mức ghi nhận năm 2022. Tính theo độ tuổi và giới tính, phụ nữ 20-30 tuổi thích sống độc thân, chiếm hơn 83%. Con số này cao hơn tỷ lệ hài lòng ở nam giới cùng nhóm tuổi là 70,2%.
Khảo sát do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện tháng 8/2023 cho thấy chỉ một nửa số người từ 19 đến 49 tuổi nói có mong muốn kết hôn.
Xét theo giới tính, 56,3% nam giới nói họ sẵn sàng lập gia đình, trong khi tỷ lệ này ở nữ là 47,2%. Xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ sẵn sàng kết hôn giảm dần theo độ tuổi là 58,7% với người ở độ tuổi 30-34 và bắt đầu giảm từ 35 tuổi trở lên.
Khi được hỏi có sẵn sàng sinh con hay không, 46% người tham gia cho biết "không có ý định sinh con". Chỉ có 28,3% sẵn sàng có con. Tuy nhiên, trong số những người được hỏi đã kết hôn, 46,5% nói đang "nghĩ đến việc có con" và 24,7% đáp "sẽ không có con". Trong số những người được hỏi đã kết hôn và có ít nhất một con, 76% không sẵn sàng sinh thêm.
Minh Phương (Theo Korea Times, Korea Herald)