Chobin Hwang, 30 tuổi, làm việc cho Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc, có hẹn đi ăn đồ nướng với hai người bạn ở quận 7, TP HCM. Họ bàn tán sôi nổi về trận đấu giữa đội tuyển bóng đá nam Việt Nam và Hàn Quốc tại vòng bán kết Asiad 2018.
"Tôi bắt đầu theo dõi đội tuyển U23 Việt Nam từ giải vô địch bóng đá châu Á AFC Cup hồi tháng 1 ở Trung Quốc", Jun-hee Han, 29 tuổi, đến TP HCM từ 7 năm trước và đang theo học đại học ở đây, hào hứng nói với VnExpress. "Tôi ấn tượng nhất với Quang Hải và Công Phượng. Việt Nam đang thi đấu rất hay".
Mira Yu, 28 tuổi, gật gù đồng tình. Sống ở TP HCM hơn ba năm, Mira hiện làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu. Là người nhỏ tuổi nhất trong bữa tối, cô luôn tay rót rượu sochu cho hai người bạn.
Chobin, Mira và Jun-hee Han nằm trong số 150.000 người Hàn Quốc đang sống tại Việt Nam. Số lượng người Hàn Quốc đã tăng gần 50 lần trong khoảng 10 năm qua. TP HCM là nơi tập trung đông người Hàn Quốc nhất với hơn 100.000 người.
Người Hàn Quốc ban đầu đến TP HCM với mục đích làm ăn hoặc du lịch. Tuy nhiên, do khí hậu dễ chịu, chi phí sinh hoạt rẻ và cơ hội làm ăn nên nhiều người quyết định sống lâu dài. Họ đưa gia đình, khuyến khích bạn bè hoặc giới thiệu đối tác đến Việt Nam. "Xã hội Hàn Quốc cạnh tranh quá khốc liệt, mọi người làm việc đến kiệt sức, Chobin nói. "Sống ở đây, tôi thoát được áp lực đó".
Cả ba người Hàn Quốc trẻ tuổi yêu thích cuộc sống ở TP HCM, nhất là khi chứng kiến cả thành phố chìm trong không khí cuồng nhiệt của bóng đá. Chobin, Mira và Jun-hee đều liên tưởng TPHCM hiện nay với Hàn QUốc thời World Cup 2002. Những người hâm mộ, với biệt danh "Ác quỷ Đỏ", mặc những chiếc áo phông đỏ rực, diễu phố và hô vang "Đại Hàn Dân Quốc" hoặc "Hàn Quốc chiến thắng". Cứ sau mỗi trận thắng, những đoàn xe ôtô dài lại nối đuôi nhau đổ ra đường và người ngồi trên xe phất cờ, thổi kèn, khua chiêng, múa trống và hò hét. Hàn Quốc khi đó là một trong 4 đội mạnh nhất giải.
"World Cup 2002 không đơn thuần là một giải đá bóng mà như ngày hội vực dậy tinh thần người Hàn Quốc", Jun-hee nói. Năm 1995, với thu nhập bình quân đầu người 10.000 USD, Hàn Quốc trở thành mẫu hình kinh tế thành công. Tuy nhiên, "niềm vui chẳng tày gang", cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đẩy đất nước tới sát mép vực phá sản. Chính phủ buộc phải viện tới gói giải cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Người Hàn Quốc gọi ngày họ chấp nhận điều kiện "thắt lưng buộc bụng" của IMF là "ngày quốc nhục".
"Chúng tôi cứ nghĩ chúng tôi là kiểu người không dám lên tiếng khi bị đối xử bất công mà chỉ biết chôn chặt uất ức trong lòng", Chobin thuật lại cảm giác của nhiều người Hàn Quốc lúc bấy giờ. "Nhưng kỳ tích của đội tuyển năm đó đã thay đổi tâm lý yếu thế của cả dân tộc. Tôi nghĩ bóng đá cũng có thể làm điều tương tự với Việt Nam".
'Uống sâm tăng lực chỉ là đồn thổi'
Dự đoán kết quả trận bán kết, cả ba đều tin rằng phần thắng sẽ nghiêng về phía đội nhà. "Điểm mạnh của Hàn Quốc là hàng công với hai cầu thủ xuất sắc Son Heung-Min và Hwang Hee-chan. Họ đều có kinh nghiệm thi đấu tại các câu lạc bộ lớn ở nước ngoài và vừa góp mặt ở World Cup 2018", Jun-hee phân tích. "Hàn Quốc còn có quân bài lợi hại là thủ môn Cho Hyun-woo".
"Nếu giành được huy chương vàng tại ASIAD 2018, theo luật, tất cả các cầu thủ sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự và được hưởng một khoản trợ cấp hàng tháng đến hết đời", Jun-hee đặc biệt nhắc đến Son Heung-Min, ngôi sao câu lạc bộ Tottenham Hotspur và cầu thủ được mệnh danh là Cristiano Ronaldo của châu Á.
Theo quy định của Cục Quản lý Nhân lực quân sự Hàn Quốc, cầu thủ 26 tuổi này phải quay về nước để thực hiện nghĩa vụ quân sư trước khi bước sang tuổi 28. Nếu Son Heung-min không giành được huy chương vàng ASIAD 2018, quãng thời gian chơi bóng đỉnh cao của anh sẽ dừng vào ngày 8/7/2020 khi anh bước sang tuổi 28. Ngoài 30 tuổi, sự nghiệp của cầu thủ bóng đá coi như kết thúc.
"Đó mới là động lực lớn nhất khiến đội tuyển Hàn Quốc buộc phải chiến thắng Việt Nam trong trận bán kết", Jun-hee nhận xét. Ngoài ra, kỳ vọng của người dân Hàn Quốc rất lớn nên "các cầu thủ sẽ chiến đấu hết mình để thỏa mãn sự mong đợi của cả nước".
Jun-hee cho rằng sức bền của các cầu thủ Việt Nam không thua kém Hàn Quốc về sức bền.
"Hãy xem phong độ của các cầu thủ ở giải vô địch châu Á AFC Cup hồi tháng 1. Họ liên tục phải thi đấu sang hai hiệp phụ. Và trong trận chung kết, họ còn phải đá dưới mưa tuyết", Jun-hee nói.
Nhắc đến thông tin cho rằng bí quyết tăng thể lực của đội tuyển Hàn Quốc là uống sâm. Chobin, Mira và Jun-hee đều phá lên cười. "Thể lực là thứ phải qua rèn luyện và chế độ dinh dưỡng cân bằng. Sao người ta có thể nghĩ rằng uống sâm giúp tăng sức bền?" Chobin nói.
Gia đình của Mira trồng sâm ở thành phố Yeongju, phía bắc tỉnh Gyeongsang của Hàn Quốc. "Bố mẹ tôi không uống sâm hàng ngày", Mira cho biết. "Hồi tôi còn nhỏ, vào mỗi mùa thu hoạch, mẹ tôi thường nấu các món ăn với sâm, không phải vì tin rằng ăn càng nhiều càng tốt cho sức khỏe mà chủ yếu do 'của nhà trồng được'. Uống sâm tăng lực chỉ là đồn thổi. Đừng tin", Mira cười lớn.
"Nếu sâm thực sự giúp tăng sức bền thì huấn luyện viên Park Hang Seo cũng có thể cho các cầu thủ Việt Nam uống. Thật buồn cười khi cho rằng sâm là lợi thế cạnh tranh của Hàn Quốc", Jun-hee thêm vào.
Tự hào về huấn luyện viên Park Hang Seo
Theo Chobin, các HLV như ông Park Hang Seo giúp quảng bá hình ảnh Hàn Quốc trên thế giới. "Không chỉ bóng đá, Hàn Quốc có những HLV xuất sắc ở các môn như bắn súng và bắn cung, đào tạo các vận động viên nước ngoài. Chúng tôi rất tự hào về họ", cô nói.
Ở Hàn Quốc, HLV Park Hang Seo được đặt biệt danh là "ssaldink", ghép giữa từ "Phở" và họ của huấn luyện viên Hà Lan Guus Hiddink, người đã tạo nên kỳ tích của tuyển quốc gia Hàn Quốc tại World Cup 2002. "Trước khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, ông ấy không được nhiều người Hàn Quốc biết đến nhưng giờ đây HLV Park trở thành cầu nối giữa hai quốc gia", Jun-hee nói.
"Chúng tôi mong Hàn Quốc sẽ chiến thắng. Nhưng nếu lịch sử gọi tên Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ không buồn", cả ba thanh niên Hàn Quốc đồng thanh. "Cố lên Hàn Quốc! Cố lên Việt Nam!
Hạnh Phạm