Tính đến tháng 4/2023, khoảng 660.000 người Hàn Quốc trong độ tuổi 20, 30 quyết định dừng mọi hoạt động, ví dụ như không học tập, không tìm việc làm, mang thai hay nuôi dạy con cái, mà không có lý do cụ thể.
Cơ quan Thông tin - Thống kê Hàn Quốc công bố hôm 17/5 cho biết trong số 16 triệu người không hoạt động kinh tế vào tháng 4/2023, có 386.000 người ở độ tuổi 20 và 274.000 ở tuổi 30.
Đáng chú ý, số người ở độ tuổi 30 chọn "không làm gì" đã tăng gần 7%, cao nhất lịch sử. Nhóm tuổi 20 tăng 10,8% - cao nhất từ tháng 4/2020. Đáng chú ý, đà tăng vẫn tiếp diễn, bất chấp tổng dân số ở độ tuổi 20 và 30 đã giảm 281.000 người so với năm trước.
Theo các nhà nghiên cứu, ở các giai đoạn trước, những người này thường không hoạt động kinh tế vì bận học hành, tìm kiếm việc làm nên số người nghỉ ngơi thường thấp hơn các nhóm tuổi khác.
Từ tháng 4/2003, con số này lần đầu tiên đã vượt qua tổng số người nghỉ ngơi ở độ tuổi 40, 50 (613.000 người).
Yoon Dong-yeol, giáo sư ngành quản lý nhân sự tại Đại học Konkuk, cho biết sự gia tăng số người nghỉ ngơi xuất phát từ mong muốn giảm khối lượng công việc đang đảm nhận.
"Giới trẻ hiện nay có xu hướng không muốn làm việc, trừ khi được nhận vào một vị trí hay công ty nào đó mà họ mong muốn", Yoon nói.
Trang web chuyên về việc làm Incrui đã khảo sát 653 sinh viên đã ra trường và sắp tối nghiệp vào tháng 3. Theo đó, hơn 54% nói muốn làm việc trong một công ty lớn với mức lương khởi điểm là hơn 39 triệu won (690 triệu đồng) một năm.
Đáng chú ý, số lượng công việc trả lương cho người lao động dựa trên nhiệm vụ, ví dụ như giao đồ ăn, có xu hướng giảm. Trước đây, công việc giao hàng đang được giới trẻ ưa chuộng do thời gian làm việc và khối lượng công việc linh hoạt. Tuy nhiên nhu cầu giao hàng bắt đầu giảm trong hai năm dịch bệnh khiến những người làm ngành nghề này chọn nghỉ ngơi.
Một nghịch lý đang diễn ra là khi người trẻ chọn "nằm im" thì số nhân viên cao tuổi tăng đột biến.
Theo báo cáo của nền tảng môi giới làm việc bán thời gian Albamon hôm 8/1, gần 3,4 triệu quảng cáo làm việc bán thời gian cho người cao tuổi được tải lên website trong 8 tháng đầu năm 2022. Con số này tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm trước, và tăng hơn 184% so với năm 2020.
Còn theo thống kê của Alba Heaven, công ty cung cấp thông tin việc làm bán thời gian của Hàn Quốc, độ tuổi trung bình của những người xin việc ngày càng già đi. Theo đó, nhóm người ở độ tuổi 50 tuổi đi xin việc tăng 62,5%, còn với độ tuổi từ 60 là hơn 82%, so với năm 2021.
Sự gia tăng của số lao động là người trung niên và cao tuổi có liên quan đến thực tế là lớp trẻ đang trốn tránh các công việc bán thời gian, ưu tiên giờ giấc linh hoạt, trong khi lớp người về hưu muốn thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Điều này khiến các nhà hàng, quán cà phê không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thuê người già làm việc.
Bên cạnh đó, tình trạng ngày càng nhiều người trẻ né tránh hôn nhân, từ chối sinh con trở thành vấn đề trầm trọng của quốc gia này. Khảo sát với khoảng 1.000 người vào năm ngoái của Hiệp hội Dân số, Sức khỏe và Phúc lợi Hàn Quốc, khoảng 2/3 số người độc thân trong độ tuổi từ 19 đến 34 không có mối quan hệ nào. Trong số đó, 61% phụ nữ và 48% nam giới cho biết họ không muốn tìm bạn trai hoặc bạn gái trong tương lai.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy có khoảng 193.000 đơn đăng ký kết hôn năm 2021, giảm gần 10% so với năm trước và ít nhất kể từ khi kỷ lục thiết lập bắt đầu vào năm 1970. Số ca sinh cũng giảm xuống còn 5/1.000 người, đưa Hàn Quốc xuống cuối bảng xếp hạng các quốc gia phát triển, được theo dõi bởi tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Theo các chuyên gia, sự thay đổi này là do ngày càng nhiều phụ nữ độc lập, tự chủ kinh tế. Họ e ngại việc kết hôn, sinh con sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp cùng định kiến phải "hy sinh tất cả cho gia đình".
Minh Phương (Theo Koreajoongangdaily, Chosun Ilbo, Reuters)